Kỹ thuật ít xâm lấn này dù mới được áp dụng nhưng đã mang lại hiệu quả cao, đảm bảo tính an toàn, hồi phục nhanh cho người bệnh.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã phẫu thuật thành công cho người bệnh Đ.T.Đ. (57 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) với chẩn đoán u tuyến yên xâm lấn sàn sọ giữa, xoang hang 2 bên hố sọ sau. Năm 2020, người bệnh đã được phẫu thuật nội soi lấy hầu hết các tổn thương vùng sàn sọ giữa, giải phóng được các cấu trúc thần kinh bị chèn ép trước đó như dây thần kinh thị, thân não...
Tuy nhiên, gần đây khối u tiến triển, xâm lấn nhiều hơn vào hố sọ sau, xoang hang và hố thái dương 2 bên, các dây thần kinh sọ thấp gây các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai. Lúc này, người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi và vi phẫu để lấy toàn bộ tổn thương, đồng thời tái tạo phần sàn sọ do khối u xâm lấn. Ca mổ kéo dài 4 giờ, sau đó người bệnh được theo dõi hậu phẫu để loại trừ các biến chứng nặng như nhiễm trùng, viêm màng não, xuất huyết não, rò dịch não tuỷ… Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, tỉnh táo, triệu chứng đau đầu giảm nhiều, không có tổn thương thần kinh sọ, không có rò dịch não tuỷ qua mũi sau mổ. Dự kiến, người bệnh sẽ được ra viện sớm sau mổ 7-10 ngày.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, u sàn sọ gồm nhiều loại khác nhau, phát triển ở vị trí sàn sọ là nơi tiếp giáp giữa não bên trên với các cấu trúc dưới não bên dưới (hệ thống xoang mũi, ổ mắt, hố sọ giữa, hố sọ sau). Các khối u sàn sọ thường gặp gồm: u màng não, u nguyên bào thần kinh khứu giác, u tuyến yên, u dây sống, u sọ hầu, u xương và sụn xương, các ung thư của xoang cạnh mũi. U sàn sọ có thể gồm các khối u lành tính hoặc ác tính di căn từ nơi khác tới. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng trên thế giới, tỷ lệ mắc loại u này khoảng 6,2/100.000 dân/năm.
Triệu chứng của các khối u sàn sọ thường rất đa dạng, tùy thuộc vào kích thước, vị trí đặc thù, mức độ xâm lấn của các khối u với các cấu trúc xung quanh. Người bệnh thường chỉ được phát hiện khi đi tầm soát sức khỏe. Các biểu hiện thông thường của bệnh có thể gặp phải như: tổn thương chèn ép thần kinh gây đau đầu, mờ mắt, nhìn đôi, nuốt khó hoặc sặc khi ăn uống, tê bì vùng mặt một hoặc 2 bên, tê/yếu chi tiến triển theo thời gian; mệt mỏi, ăn kém, sút cân, tiểu nhiều; các tổn thương vùng thấp dưới sàn sọ gây nghẹt mũi, chảy máu mũi, mất mùi…
Nhờ liên tục cập nhật các phương pháp tiên tiến trên thế giới, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng thành công kỹ thuật nội soi kết hợp vi phẫu để phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân. Theo các bác sĩ, đối với các tổn thương sàn sọ lớn, phức tạp, lan tới cả trên và dưới sàn sọ thì việc tiếp cận khối u bằng cả vi phẫu và vi phẫu thuật giúp phẫu thuật viên có thể tối ưu hoá góc nhìn, tiếp cận tổn thương từ nhiều hướng để có thể lấy bỏ tối đa tổn thương, đồng thời tăng tính an toàn cho người bệnh.
Phương pháp này cũng có đường mổ nhỏ, ít ảnh hưởng đến thần kinh, vận động của người bệnh, có thể lấy các hết mô tổn thương, thời gian mổ khoảng 3-4 giờ, ít tổn thương mô lành… Phương pháp phẫu thuật nội soi qua mũi - xoang lấy các tổn thương sàn sọ là một phương pháp mới, ngày càng được phát triển và mở rộng trong việc tiếp cận nhiều tổn thương khó mà trước kia không thể phẫu thuật như: u hốc mắt, u vùng xương bản vuông…