Giỏi y thuật, sáng y đức
Hơn 5 tháng điều trị tại khoa Đột quỵ, chồng chị Hoàng Thị Hải đến từ Hà Tĩnh luôn được bác sỹ Lê Vũ Huỳnh quan tâm, thăm khám tận tình và chu đáo, bất kể ngày đêm. Không những thế, bác sỹ Huỳnh còn động viên tinh thần, hỗ trợ nhiệt tình để chị được về quê đón Tết trong dịp vừa qua.
Chị Hải bộc bạch, điều chị quý mến ở bác sỹ Huỳnh không chỉ là sự tài giỏi, tấm lòng tận tụy với bệnh nhân, mà còn từ những hành động nhân văn, cử chỉ thân thương mà bác sỹ Huỳnh đã dành cho gia đình chị. Thời gian ở khoa Đột quỵ sẽ là khoảng thời gian không thể nào quên đối với gia đình chị về một hình ảnh người thầy thuốc giỏi y thuật, sáng y đức như bác sỹ Huỳnh.
Giữa tháng 2/2023, gia đình ông Trương Hữu Dũng vui mừng khôn xiết khi sức khỏe của ông đã hồi phục nhanh chóng và ổn định thể chất lẫn tinh thần sau nhiều ngày điều trị tại khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế.
Chị Trương Hồ Bảo Khánh, con gái ông Dũng cho hay, chị muốn gửi lời biết ơn sâu sắc đến bác sỹ Lê Vũ Huỳnh đã trực tiếp thực hiện các thủ thuật can thiệp nội mạch và giúp cải thiện tình trạng bệnh của bố chị. Trong quá trình điều trị, đội ngũ y bác sỹ đã luôn chăm sóc chu đáo và tạo tâm lý thoải mái để ông Dũng có thể bình phục sức khỏe như hiện nay.
Đặc biệt, bác sỹ Huỳnh là người đã tạo nên thành công cho ca bệnh, cứu sống một bệnh nhi sơ sinh dị dạng mạch máu não hiếm gặp tại Bệnh viện Trung ương Huế trong năm 2022.
Em bé non nớt ra đời trong tình trạng thiểu dưỡng, nặng 1,8 kg, suy hô hấp, hạ đường máu lại không may mắc căn bệnh nguy hiểm, hiếm gặp có tỷ lệ 1/25.000 cuộc sinh. Nếu không được can thiệp sớm, em có nguy cơ cao bị rối loạn về thần kinh, suy tim và tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
May mắn mỉm cười khi ca phẫu thuật can thiệp thủ thuật đặt coil (nút) bít dò động tĩnh mạch Galen của em, được bác sỹ Huỳnh cùng ekip bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công. Đây là thủ thuật thường được trì hoãn tới lúc bệnh nhân được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi được can thiệp từ tuổi sơ sinh rất ít được thực hiện, ngay tại các trung tâm đột quỵ lớn trên thế giới bởi liên quan đến tay nghề, dụng cụ thích hợp và nguy cơ cao kèm theo.
Bác sỹ Huỳnh cho biết, công tác tại một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt nên anh luôn phấn đấu cống hiến hết mình cho sức khỏe người dân. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa mà anh còn đề cao việc tạo lập mối quan hệ, nắm bắt tâm lý người bệnh để giúp họ ổn định tinh thần, an tâm điều trị tốt nhất. Với những bệnh nhân hôn mê, anh vẫn cố gắng khai thác tối đa thông tin của họ nhằm phục vụ lại cho việc điều trị.
Vì sức khỏe nhân dân
Trong công việc, bác sỹ Huỳnh là một người nghiêm túc, luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu và tạo mục tiêu để phấn đấu. Vậy nên, theo thời gian, anh xây những viên gạch vững chắc trong chuyên môn, góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công cho mảng can thiệp đột quỵ và can thiệp mạch máu não của khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế.
Với vai trò phẫu thuật viên chính các lĩnh vực trên, anh đặt mục tiêu cho bản thân phải thực hiện được kỹ thuật Việt Nam cũng như thế giới đã làm được trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như nhau. Từ đó, cải thiện tốt nhất tình trạng bệnh nhân. Muốn đạt được những mục tiêu này, bác sỹ Huỳnh ngày đêm nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học tập các tiến bộ y học chuyên ngành qua tài liệu y học trong và ngoài nước.
"Có một số ca bệnh bất khả kháng dù đã làm tốt nhất theo khuyến cáo, thực hành, nhưng bệnh nhân vẫn trở nặng. Đó là những trăn trở lớn đối với tôi trong suốt quá trình làm thầy thuốc. Qua từng ca bệnh như vậy, tôi sẽ nghiên cứu, tìm ra điểm mấu chốt gây nên thất bại để dự phòng, thay đổi quá trình điều trị, ứng dụng các phương pháp điều trị khác. Qua đó, các trường hợp bệnh tương tự về sau sẽ đạt được kết quả can thiệp tốt hơn" - bác sỹ Huỳnh chia sẻ.
Bằng chứng là anh đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng, bệnh nhân vào viện trong trạng thái hôn mê, nguy kịch. Đặc biệt, nhiều ca bệnh tái thông mạch máu não được anh và ekip can thiệp trong thời gian ngắn hơn nhiều so với thời gian trung bình mà các nước trên thế giới thực hiện (gần 30 phút). Thậm chí, đã có trường hợp bác sỹ Huỳnh can thiệp xong trong khoảng 6-7 phút.
Hay với nhiều trường hợp tắc động mạch não cấp tính trên nền hẹp mạn tính do xơ vữa, can thiệp tái thông gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp đặt stent tái thông vị trí tắc-hẹp đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng. Bác sỹ Huỳnh cùng đội ngũ y bác sỹ khoa Đột quỵ đã có thể thực hiện giải pháp này một cách thường quy, nhanh chóng, thuận lợi, ít để lại di chấn, cải thiện tiên lượng nhanh và bệnh nhân phục hồi tốt.
Theo bác sỹ Lê Vũ Huỳnh, thời gian và chi phí là hai yếu tố mà anh hướng đến nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như áp lực kinh tế cho người bệnh và gia đình họ. Vì vậy, anh luôn cố gắng rút ngắn thời gian nhưng đảm bảo kết quả can thiệp tốt nhất. Qua đó, sẽ góp phần giảm chi phí điều trị đáng kể cho các ca bệnh.
Bác sỹ chuyên khoa II Dương Đăng Hóa, Phụ trách khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bác sỹ Huỳnh là "cánh chim đầu đàn" trong mảng can thiệp tại đơn vị. Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của anh, khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật mới và đạt nhiều thành công trong điều trị bệnh nhân đột quỵ nặng.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Vũ Huỳnh xứng đáng là tấm gương sáng cho các thầy thuốc trẻ noi theo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào nền y học đất nước. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của mình, anh cùng tập thể đội ngũ y bác sỹ khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế đã nhận được Giải thưởng Platinum của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trong tổ chức cấp cứu và điều trị đột quỵ năm 2020.