Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch thành phố Cần Thơ cho biết, ngày 15/9/2022, Bệnh viện đưa vào sử dụng hệ thống robot Corindus hỗ trợ can thiệp chụp mạch máu xóa nền. Robot Corindus trị giá khoảng 1 triệu USD, có tính năng hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất, giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân. Robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng trong can thiệp; hỗ trợ tính chính xác tổn thương hẹp mạch máu, làm giảm số lượng stent cần đặt, hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent do tính năng đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu, đặc biệt là các tổn thương tại vị trí mạch máu gấp khúc, đoạn cong.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam sở hữu thiết bị hiện đại này, nên chưa có tiền lệ về thủ tục cấp phép hoạt động. Do đó, đến ngày 18/4, Bệnh viện mới hoàn thành các hồ sơ pháp lý về mua bán với các hãng, công ty; về điều kiện chuyển giao kỹ thuật; các điều kiện về con người, tập huấn - chuyển giao.
Bác sĩ Trần Chí Cường cho biết thêm: các bác sĩ luôn luôn mơ ước có thể không phải mặc áo chì nặng đến 7kg cũng như đứng trong thời gian dài khi thực hiện can thiệp động mạch trong phòng. Bởi điều này gây thoái hóa cột sống, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bác sĩ. Với sự hỗ trợ của robot, bác sĩ có thể ở bên ngoài phòng và điều khiển cánh tay robot.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Chủ tịch Phân hội can thiệp tim mạch Việt Nam, một trong những chuyên gia góp phần đắc lực vào quá trình chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch thành phố Cần Thơ nhận định: Trong tương lai, robot Corindus giúp tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu; giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý, kết nối với các bệnh viện hàng đầu trên thế giới đang sử dụng robot này để can thiệp mạch ( bằng tính năng telerobotic trên robot Corindus). Khi đó, cánh tay robot tại Bệnh viện sẽ được kết nối với trạm điều khiển của các bệnh viện cũng trang bị hệ thống robot Corindus ở bất kỳ đâu trên thế giới thông qua trạm điều khiển. Bác sĩ có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để can thiệp cho bệnh nhận.
Trực tiếp theo dõi quá trình can thiệp một trong ba mươi ca động mạch vành với sự hỗ trợ của robot Corindus tại Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch thành phố Cần Thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết: bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam; thậm chí có trẻ mới 4 tuổi đã bị đột quỵ do tắc tĩnh mạch nội sọ.
Việc các đơn vị điều trị có đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, cùng đội ngũ y, bác sĩ kinh nghiệm cao sẽ giúp ngành Y tế rất nhiều trong điều trị, cứu sống bệnh nhân. Hơn nữa, ở các quốc gia, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân đều rất đa dạng. Vì vậy, các đơn vị y tế phải nỗ lực huy động nguồn lực để sở hữu được trang thiết bị tiệm cận với các nước tiên tiến nhất. Nếu không làm được điều này, Việt Nam sẽ bị "chảy máu" tài chính khi một lượng lớn những người giàu đổ ra nước ngoài chữa bệnh.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2019, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ đã khám, điều trị cho hơn 400.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 160.000 lượt người đột quỵ. Trong năm 2022, Bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 205.000 lượt người, trong đó có hơn 81.000 lượt bệnh nhân đến vì đột quỵ; số ca mắc đột quỵ mới là 12.814 ca...