Đáng lo ngại là 2 năm trở lại đây tình trạng này diễn ra rất nhanh và ngày càng nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm biển xâm thực sâu vào diện tích đất của xã từ 15-20 m.
Tình trạng này đã khiến hơn 50 ha rừng phòng hộ ven biển và gần 280 ha đất sản xuất của xã Quảng Nham bị cuốn trôi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh hoạt của hơn 500 hộ dân trong xã. Trước thực trạng trên, UBND xã Quảng Nham đã nhiều lần báo tình hình lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Theo chân cán bộ xã Quảng Nham chúng tôi tìm đến thôn Tân (Quảng Nham), một trong những thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biển xâm thực. Trên bờ biển trải dài là ngổn ngang những gốc cây, thân cây bị sóng đánh dạt vào bờ, có những điểm sóng ăn sâu vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng.
Ông Hà Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết, trước đây, toàn bộ bãi cát phía biển là 120 ha rừng phi lao chắn sóng, chắn cát bảo vệ hơn 5 km đường bờ biển của xã, tuy nhiên, cứ mỗi đợt mưa bão về, biển xâm thực đất liền, cuốn theo nhiều diện tích rừng phòng hộ. Giờ đây có những đoạn, rừng phi lao bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn trơ lại những gốc cây bị sóng đánh dạt vào bờ, và những thân cây nằm trơ trọi trên bãi cát….
Theo quan sát, dọc bờ biển dài khoảng 3,2 km trên địa bàn thôn Tân có khoảng 60 hộ dân vẫn đang sinh sống ngay sát bờ biển. Là một trong những hộ sống sát mép nước nhất, chị Bùi Thị Hoàn, thôn Tân, xã Quảng Nham tâm sự, vì điều kiện khó khăn nên vài năm trở lại đây chồng chị phải vào Nam kiếm sống, ở nhà chỉ có 3 mẹ con, mỗi khi dự báo sắp có mưa bão là cả gia đình phải khăn gói đem theo đồ dùng cần thiết sơ tán đến nơi khác để đảm bảo an toàn.
Nhà chị Hoàn cách biển chừng 30 m, không còn rừng phòng nên sóng, gió biển kèm theo cát cứ tới tập ập vào nhà, rất nguy hiểm. Bão khiến nhà “tan hoang”, cát cuốn vào nhà dày hàng chục cm, ba mẹ con lại mất vài ngày dọn dẹp.
Chỉ về phía ngôi nhà nằm sát mép biển, chị Đinh Thị Ngân lo ngại: “Trước đây nhà tôi cách biển chừng 150 m, nhưng cứ mỗi năm biển xâm thực vào một ít, nhất là 2 năm gần đây biển xâm thực tốc độ nhanh. Đến thời điểm hiện tại, nhà tôi chỉ cách biển chừng 20 m. Có những hôm thủy triều, sóng to, nước biển đánh vào gần tới cổng nhà, rất nguy hiểm. Tình trạng này kéo dài ngày nào thì người dân chúng tôi bất an ngày đó”.
Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng thôn Tân (xã Quảng Nham) cho biết, mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, chính quyền địa phương cũng quan tâm huy động các lực lượng xếp hàng bao tải đất để ngăn chặn xâm thực; đồng thời, chuẩn bị cọc tre, bạt để chống sạt khi có bão gây sóng biển lớn. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực cũng như muối bỏ biển, không thể ngăn được những cơn sóng to, gió lớn ập vào bờ, ăn sâu vào đất liền.
“Với tốc độ xâm thực như hiện nay thì việc nước biển xâm thực cuốn trôi nhà dân là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Rất mong các cấp chính quyền sớm đầu tư tuyến đê kè để ngăn chặn sự xâm thực và đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Hải nói.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chủ trương đầu tư dự án “Kè chống sạt lở bờ biển khu vực Quảng Nham” do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã nhận được sự chấp thuận của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Sau đó tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung danh mục dự án cấp bách thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 với kinh phí dự kiến là 125 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng một tuyến kè đá chắn sóng dài khoảng 3 km cùng các công trình phụ trợ khác. Thời gian thực hiện kéo dài trong 3 năm (từ năm 2018-2020).
Hy vọng, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa sớm triển khai dự án để mang lại sự ổn định bền vững cho tuyến bờ biển Quảng Nham, cũng như bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân yên tâm bám biển.