Văn hóa Việt Nam bao gồm văn hóa đồng bằng, châu thổ và văn hóa biển đảo. Văn hóa biển đảo Việt Nam là một bộ phận văn hóa đa giá trị, đa dạng về loại hình, thể loại, phong phú về lượng tác phẩm. Trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Việt Nam, văn hóa biển đảo đã được quan tâm nghiên cứu với những góc độ tiếp cận khác nhau như về địa lý, sinh thái và môi trường, địa - chính trị, địa - văn hóa và đặc biệt là tiếp cận văn hóa xã hội và nhân văn. Trong đó, tiếp cận văn hóa xã hội và nhân văn bao gồm các cách tiếp cận chính như khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa dân gian, nhân học, xã hội học.
Cổng chùa Trường Sa trên đảo Song Tử Tây (ảnh chụp năm 2010). Ảnh: Viết Tôn |
Đánh giá về kho tàng di sản văn hóa biển đảo của Việt Nam, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh, kho tàng di sản văn hóa biển đảo của Việt Nam rất dày dặn và đa dạng. Những năm gần đây, khi vùng biển và đảo của Việt Nam bị xâm phạm, việc sưu tầm nghiên cứu các tư liệu phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền được triển khai tích cực. Chúng ta ngày càng nhận ra giá trị của các loại hình tư liệu phản ánh chủ quyền Việt Nam trên biển và với hải đảo như các loại bản đồ, hải đồ, các bộ sách sử, châu bản, mộc bản triều Nguyễn…, trong đó châu bản, mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Tuy vậy, có một thực tế là cho đến những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo chưa được chú trọng đúng mức. Việt Nam vẫn chưa có một chương trình sưu tầm, thu thập tư liệu, nghiên cứu một cách hệ thống về di sản văn hóa biển đảo. Việc nghiên cứu còn manh mún, tự phát và phó mặc cho địa phương…
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc công việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở nước ta phải được triển khai mạnh mẽ hơn với các giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa biển đảo. Bên cạnh việc gấp rút xây dựng kế hoạch thu thập, hệ thống hóa, số hóa các tư liệu về văn hóa biển đảo trên quy mô cả nước, cần sớm pháp lý hóa, quốc tế hóa những di sản có giá trị cần được bảo tồn lâu dài và khai thác vào những mục tiêu quan trọng. Bên cạnh đó, một ý nghĩa đặc biệt quan trọng là việc gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và với các hải đảo…
Nguyễn Bích Thủy