Đại diện xã An Hải (huyện Lý Sơn) ký Quy chế phối hợp với Hải đội 201 (Vùng Cảnh sát biển 2) về bảo vệ biển, đảo. |
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Sở chỉ huy đóng tại Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam đã nỗ lực hỗ trợ ngư dân đánh bắt, cứu nạn ngư dân trên biển cũng như giúp đỡ ngư dân trên đất liền.
Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 chia sẻ: Chúng tôi xác định, bên cạnh việc tuần tra kiểm soát trên biển, việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ “sống còn” của cảnh sát biển. Bởi sự hiện hiện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyển biển đảo của Tổ quốc.
Để kịp thời có mặt giúp đỡ ngư dân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên chỉ đạo cán bộ chiến sỹ huấn luyện, hành quân trên vùng biển được phân công, kịp thời thông tin cho ngư dân đánh bắt trên biển các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước.
Đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là vùng biển xa, vùng biển giáp ranh để cho ngư dân yên tâm bám biển. Đến nay, Vùng Cảnh sát biển 2 đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn thành công 57 tàu, thuyền với 715 ngư dân, thuyền viên bị nạn trên biển.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Toàn huyện có hơn 400 tàu thuyền, trong đó có 130 tàu khai thác ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã hỗ trợ ngư dân Lý Sơn bám biển dài ngày.
Không những hỗ trợ ngư dân ở những vùng biển xa đất liền, cảnh sát biển còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người thân của ngư dân trên đất liền. Hàng năm Vùng Cảnh sát biển 2 đã lập kế hoạch, huy động từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sỹ cũng như từ nhiều nguồn lực khác để thăm hỏi, động viên, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, làm nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng học bổng cho các em học sinh, gia đình chính sách, hộ ngư dân nghèo ở các xã đảo, xã ven biển.
Đại tá Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 bộc bạch: Vùng Cảnh sát biển 2 đã phối hợp với các ngành chức năng, các nhà tài trợ huy động hàng tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân các xã đảo, ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định. Việc hỗ trợ ngư dân nghèo, gia đình chính sách, đỡ đầu các cháu học sinh là con em ngư dân học giỏi để các cháu có điều kiện đến trường, tham gia xây dựng địa phương vững mạnh, đơn vị xác định là vấn đề then chốt xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Gần đây nhất, từ ngày 11/5 đến 13/5/2017, cảnh sát biển đã có chuyến công tác đến với huyện đảo Lý Sơn. Tại đây, đoàn tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Cảnh sát biển chuyển hàng lên đảo tặng ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). |
Đoàn tổ chức giao lưu, tuyên truyền cho ngư dân Luật biển Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982; luật biển của các nước có vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp để ngư dân không vi phạm vùng biển nước khác đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại. Đoàn đã tặng 77 suất quà cho gia đình chính sách, ngư dân nghèo và con em ngư dân vượt khó học giỏi; tặng 80 lá cờ Tổ quốc, tủ thuốc cho ngư dân và hướng dẫn xử lý các tình huống cấp cứu trên biển…
Ngư dân Dương Thành Long, thuyền trưởng tàu QNg 96157 cho biết: Gia đình tôi có truyền thống đi biển nhiều đời nay. Cảnh sát biển thường xuyên tập huấn kiến thức về biển đảo, tặng cờ Tổ quốc, tặng tủ thuốc và phao cứu sinh đã giúp chúng tôi yên tâm đánh bắt tại những vùng biển xa. Qua thông tin liên lạc, khi gặp sự cố chúng tôi có thể ngay lập tức nhận được sự trợ giúp qua bộ đàm và sao đó thì được cảnh sát biển đến tận nơi cứu hộ, cứu nạn.
Là người thường xuyên tham gia công tác tư vấn sơ cấp cứu cũng như đến tận hiện trường để hỗ trợ ngư dân, Đại úy Trương Trường Quang, Trưởng Ban chủ nhiệm quân y Vùng Cảnh sát biển 2 thổ lộ: Khi tham gia đánh bắt trên biển, gặp sự cố về sức khỏe, công tác sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân kiến thức cơ bản nhất đối với những bệnh thường gặp.
Để ngư dân thấy rõ việc chung tay bảo vệ chủ quyền không chỉ là việc riêng của lực lượng chuyên trách, ngư dân cũng phải phát huy vai trò của mình, tích cực tham gia khai thác hải sản vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ biển đảo, Vùng Cảnh sát biển 2 đã tập trung tuyên truyền cho ngư dân thấy rõ tác hại, nguy hiểm của hình thức đánh bắt theo kiểu “tận diệt” ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản, môi trường sinh thái và trực tiếp đe dọa tính mạng con người, gây mất an ninh trật tự trên biển.
Nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”; thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, ngày 12/5/2017, Bộ Tư lệnh Vùng CSB2 phối hợp với UBND huyện đảo lý Sơn tổ chức việc ký kết Quy chế phối hợp trong bảo vệ chủ quyền biển đảo giữa Hải đội 201 (Vùng Cảnh sát biển 2) với xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Quy chế được ký kết, các bên liên quan có trách nhiệm thông báo, cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự trên biển; cung cấp tình hình vi phạm chủ quyền tội phạm vi phạm pháp luật an ninh trật tự của người, tàu thuyền nước ngoài trên ngư trường ngư dân đánh bắt, cung cấp tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép và hoạt động của các loạt tội phạm khác; cung cấp tình hình tranh chấp ngư trường, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác hải sản trái phép và các hoạt động vi phạm khác; thông báo, cung cấp thông tin tình hình thiên tai, tai nạn và hoạt động cứu hộ cứu nạn.
Bên cạnh đó, các bên liên quan phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chức năng nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển và các văn bản quy phạm pháp luật, các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến vấn đề biển đảo; phối hợp vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền giữ gìn an ninh trật tự trên biển đảo; phối hợp giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhân tai, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; phối hợp tham gia thực hiện các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội…
Để triển khai mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” có hiệu quả, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp tục khảo sát các đảo ven bờ, các đảo có căn cứ hậu cần nghề cá, từ đó giao cho các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng thống nhất với địa phương xây dựng quy chế phối hợp hoạt động và tổ chức kết nghĩa.
Trước mắt, Hải đội 201 ký quy chế phối hợp với xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và Hải đội 202 ký quy chế phối hợp với huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Qua mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, lực lượng cảnh sát biển mong muốn thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân trên biển.