Thượng úy Nguyễn Đức Ý (phải) gặp lại người phóng viên anh từng gặp năm trước ở đảo Bạch Long Vỹ, tại Trạm rađa 485 trên đảo Trà Bản.
|
Sau khi được tàu hải quân 285 đưa cập đảo Trà Bản thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhóm phóng viên chúng tôi chuẩn bị hành trang leo núi với lời khuyến cáo nên để lại phía sau tất cả những vật dụng không cần thiết trong lần đầu tiên lên điểm cao nhất của cụm đảo tiền tiêu Đông Bắc.
Đoạn đường bằng phẳng lên điểm cao Trạm rađa 485 nhanh chóng được thay thế bằng đường rừng núi, càng lên cao càng dốc đứng với rêu rong um tùm bên dưới các tán rừng ẩm thấp. Chúng tôi khởi hành được một lúc thì trời bắt đầu đổ mưa phùn. Tiếng nói cười hào hứng ban đầu được thay dần bằng tiếng thở đều để giữ sức. Chịu trách nhiệm dẫn đường cho chúng tôi, “hoa tiêu” Trần Tuấn Anh, nhân viên rađa của trạm chốc chốc dừng lại ngó nghiêng. Khi đoán chắc không ai bị tụt lại phía sau, anh lại tiếp tục dẫn đoàn tiến lên phía trước.
Không phải đợi quá lâu trước khi cái mệt của leo núi ngấm vào người để chúng tôi phì phò thở và áo ấm khoác trên tay nhưng phải đến gấp đôi quãng thời gian đó, anh Tuấn Anh mới thông báo “tin mừng” đoàn đã đến điểm nghỉ chân giữa chặng ở một cây đa đổ, thường được các chiến sỹ ví von là con rồng đổ. Tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu một con rồng thật cũng đổ nếu phải cuốc bộ đến vị trí này.
Sau 15 phút nghỉ giải lao và “đàm phán” với Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Ban cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân lên kiểm tra và chúc tết điểm cao Trạm rađa 485 thời lượng để tác nghiệp phóng viên, chúng tôi tiếp tục lên đường để không làm ảnh hưởng lịch trình chung.
Mưa hay sương rừng càng lúc càng nặng hạt và đường càng lúc càng thêm dốc đứng trơn trượt. Mỗi một bước tiến lên là một lần chúng tôi mong được nghỉ để tích tụ năng lượng. Khi nhóm phóng viên chúng tôi gần như không còn sức để hỏi “hoa tiêu” “anh ơi sắp đến nơi chưa”, may mắn thay, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải như hiểu ý “đồng đội” nhiệt tình giúp chúng tôi làm điều đó.
Nghe tiếng đáp lời “sắp đến rồi” hoặc đôi khi không thấy tiếng người đáp lại, chúng tôi chỉ biết cắm mặt xuống ca ngợi từng bước đi của nhân loại mà không muốn nghĩ đến còn bao nhiêu bước cần tiếp tục phía trước.
Bầu bạn với chúng tôi trên đường là những chú chó của Trạm rađa 485. Cách một quãng, chúng dừng lại chờ chúng tôi, rồi ngoe nguẩy đuôi chạy tiếp lên trước hoặc có khi lại bất ngờ chui ra từ bụi rậm hai bên đường. Quá trình này lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng tôi tới được “cổng trời” của Trạm rađa 485, áo đầm đìa không biết là mồ hôi, sương hay mưa mây của núi.
Đón đoàn chúng tôi lên thăm, Thượng úy Nguyễn Đức Ý, phó trạm trưởng Trạm rađa 485 sinh năm 1987, quê Thái Bình nhận nhiệm vụ ở điểm cao này từ tháng 12/2016, ra tận đầu con ngõ. Để giúp chúng tôi đỡ mệt hơn, bên những cốc nước mát lạnh như nước đá, anh kể chuyện bộ đội gùi thêm 15 – 20 kg quân tư trang, thực phẩm lên trạm.
Theo câu chuyện của anh, đường lên điểm cao của trạm vất vả song việc đi lại ra đảo Trà Bản vẫn thuận tiện hơn so với nơi anh công tác trước ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) hay nếu đem so với Trạm rađa 480 trên đảo Trần (Quảng Ninh). Lễ cưới của anh là một ví dụ. “Trước đây khi còn công tác ở đảo Bạch Long Vỹ, 3 tháng mới về một lần hoặc dài hơn. Ba tháng đầu tiên [tôi về] chụp ảnh cưới và làm các thủ tục. Lần về sau mới cưới được”, Thượng úy Nguyễn Đức Ý cười.
Vườn rau tăng gia sản xuất đem lại niềm vui của các chiến sỹ Trạm rađa 485 trên đảo Trà Bản. |
Nơi điểm cao của đảo Trà Bản, hoạt động giải trí của chiến sỹ ngoài ti vi, loa đài là tăng gia sản xuất: từ chăm 1 con lợn, nuôi 60 con gà cùng chó mèo đủ cả đến trồng rau các loại trong vườn. Hoạt động này vừa cải thiện đời sống bộ đội, vừa tạo niềm vui cho chiến sỹ. Anh Ý chia sẻ, chính những lời hỏi han, động viên nhau trong bữa cơm hay khi uống nước chè là cách để người lính hải quân trên điểm cao tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Giữ kỷ lục trực tết nhiều nhất với 8 năm đón tết ở cơ quan trong 16 năm công tác ở trạm, Thượng úy sinh năm 1977 Trần Văn Vinh, nhân viên thông tin liên lạc kể thêm, ở thời khắc giao thừa, anh em trạm rađa câu trước vẫn là chúc nhau hoàn thành nhiệm vụ, câu sau mới chúc tết gia đình và động viên người thân yên tâm về cái tết no ấm nơi đảo xa của Tổ quốc. “Mọi người ở nhà yên tâm, mình cũng yên tâm”, anh Vinh nói.
Sau khi được các chiến sỹ trạm 485 thết một bữa "của nhà nuôi trồng được", chúng tôi khăn gói ra về với mỗi người một cây dóc để chống trơn trên đường đi xuống. Hộ tống chúng tôi ra về, chiến sỹ sinh năm 1997 Trần Quang Vinh chạy phăm phăm như bay phía trước trong lúc chúng tôi dò dẫm từng bước phía sau.
Trước chúng tôi, không ít gia đình đã lặn lội lên đến điểm cao Trạm rađa 485 để thăm chiến sỹ. Trước họ, nhiều thế hệ chiến sỹ hải quân Việt Nam đã thuộc cả từng viên sỏi, gốc cây, biết sở thích của từng con trong đàn vắt. Sau thế hệ mình, chúng tôi nhìn thấy những chiến sỹ hải quân như Vinh và nhiều người khác nữa, tiếp tục thoăn thoắt “bay” trên con đường rừng đi lên và đi xuống.
Việt Nam có một đỉnh Fansipan làm nóc nhà Đông Dương và có cả những “đỉnh Fansipan” đo sự can trường của người lính đảo. Trong nhựa sống tràn trề của năm mới đang đến gần, nói như các bạn trẻ vẫn hay đùa, mùa xuân năm ấy, chúng tôi đã tìm thấy một “đỉnh Fansipan”.