Việc ký cam kết nhằm triển khai đồng bộ Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đến doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện Côn Đảo; đồng thời tăng cường truyền thông về thực hành giảm nhựa tại các điểm công cộng cho du khách và người dân địa phương thông qua mô hình điểm check-in; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia các hoạt động phân loại rác và giảm nhựa một lần để phát triển du lịch bền vững tại Côn Đảo.
Phát biểu tại sự kiện, ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, Côn Đảo với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên cùng với các giá trị lịch sử cách mạng và có vị trí chiến lược trong công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dành sự quan tâm đặc biệt. Những năm qua, bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, huyện đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức về môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện dao động từ 24 - 27 tấn/ngày, lượng rác thải tồn đọng tại bãi Nhát khoảng hơn 70.000 tấn. Qua khảo sát của WWF Việt Nam, lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch chiếm khoảng 41,5% tổng rác nhựa phát sinh của toàn đảo. Vì vậy việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu và hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của huyện.
Tháng 3/2022, Côn Đảo là địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia Sáng kiến “Đô thị giảm nhựa” do WWF Việt Nam khởi xướng, với cam kết nỗ lực giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025 và hướng đến không rác thải nhựa vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, công tác bảo vệ môi trường được đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo và được nhân dân đồng lòng thực hiện với nhiều mô hình như: Ngày thứ Bảy xanh - sạch - đẹp, Ngôi nhà xanh, Khu dân cư không rác thải nhựa, Trường học không rác thải nhựa…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án Hợp phần Thủy sản và Bảo tồn biển WWF Việt Nam cho biết, du lịch bền vững thông qua việc thúc đẩy việc thực hành giảm phát thải, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn là ưu tiên hàng đầu để Côn Đảo trở thành địa phương giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững và hài hòa với thiên nhiên. Với việc tham gia ký cam kết giảm nhựa bằng các hành động cụ thể trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, các doanh nghiệp và cộng đồng đã khẳng định vai trò, tiếng nói và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân với môi trường sinh thái và sự phát triển của Côn Đảo.
Những năm gần đây WWF Việt Nam đã phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo xây dựng kế hoạch hành động giảm nhựa, đồng thời, thực hiện chương trình theo dõi và giám sát “Giảm rác thải nhựa đại dương”. Hoạt động này thực hiện định kỳ 2 lần/năm và hỗ trợ Vườn Quốc gia Côn Đảo thu gom rác thải nhựa dưới nước mỗi năm một lần nhằm đánh giá thực trạng rác thải nhựa đại dương theo mùa gió trong năm.
Sau Lễ ký cam kết, UBND huyện Côn Đảo đã tổ chức phát động dọn vệ sinh bãi biển nhằm gửi tới các tầng lớp nhân dân và du khách thông điệp về những hành động thiết thực hướng tới lối sống xanh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển tại Côn Đảo.