Với sự tham gia của trên 50 người, sau hơn 2 giờ, toàn bộ rác thải dọc bãi biển Tình yêu dài trên 2 km đã được dọn sạch. Trong buổi sáng, hàng tấn rác thải được thu gom, chủ yếu là túi nylon, chai nhựa, phao xốp, vải, củi… trôi dạt từ biển vào.
Anh Dương Văn Tùng, Phụ trách Hội Du lịch Cô Tô chia sẻ, những ngày gần đây do ảnh hưởng của những đợt gió Nam, lượng rác theo sóng dạt vào bãi biển Tình yêu và một số bãi biển khác trên đảo rất nhiều. Nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Cô Tô trong mắt du khách. Việc dọn rác không chỉ một ngày mà sẽ được tiến hành thường xuyên hơn nhằm nâng cao ý thức, tuyên truyền cho người dân, du khách, các hộ kinh doanh giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay bảo vệ môi trường biển, du lịch huyện đảo Cô Tô.
Chị Đào Thị Hằng Nga, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, được chủ khách sạn, Hội Du lịch Cô Tô tuyên truyền về giữ vệ sinh môi trường, vận động tham gia dọn rác trên bãi biển, chị thấy rất vui và ý nghĩa. Việc làm này không chỉ làm sạch bãi biển mà còn góp phần làm trong sạch môi trường, góp một phần nhỏ bé để môi trường du lịch Cô Tô sạch đẹp hơn. Việc thu gom rác cũng góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, tuyên truyền, giáo dục cho con cháu, các bạn trẻ có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Những việc làm, hành động đẹp này cần được nhân rộng hơn.
Tính đến hết tháng 6, Cô Tô đã đón trên 200.000 lượt khách, dự báo trong tháng 7, lượng khách đến Cô Tô du lịch và tắm biển rất đông, kéo theo áp lực về xử lý rác thải, môi trường. Do đó, việc nâng cao ý thức, phân loại rác và cùng chung tay bảo vệ môi trường biển ở Cô Tô là việc làm hết sức cần thiết.
Thời gian qua, huyện Cô Tô đã có nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ môi trường du lịch. Từ tháng 8/2022, huyện đảo Cô Tô đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nylon và đồ nhựa một lần. Sau một năm thử nghiệm, hoạt động mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ ngày 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng 1 lần lên các đảo, qua đó nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường; thay đổi hành vi, thói quen trong việc quản lý, sử dụng rác thải nhựa. Hoạt động này cũng góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa việc phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Thị trấn Cô Tô cũng đã rà soát, kiện toàn, bổ sung lại thành viên của 40 Tổ tự quản vệ sinh môi trường tại 4/4 khu dân cư, mỗi thứ Năm hằng tuần đều ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn; phối hợp với Ban Quản lý dịch vụ công ích thành lập 1 tổ liên ngành tại cảng Cô Tô để kiểm soát người dân và du khách không mang túi nylon và đồ nhựa khi đến đảo. Thị trấn chỉ đạo các khu tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức tự trang bị thùng rác 2 ngăn để phân loại rác ngay tại nguồn; thành lập mô hình “biến rác thành tiền”, “hố ủ phân hữu cơ”; phối hợp với cơ quan, đơn vị triển khai tuyên truyền, ký cam kết các phương tiện tàu thuyền không xả rác xuống biển. Trong 6 tháng đầu năm, thị trấn Cô Tô tổ chức hàng chục buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển, các điểm công cộng trên địa bàn; tổ chức cho 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng về hạn chế sử dụng túi nylon, chai nhựa dùng một lần…
Thời gian tới, huyện tăng cường xử lý các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm việc phân loại rác và hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy. Các cấp ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân có thói quen sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, có ý thức phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, hưởng ứng việc thu gom, vệ sinh môi trường, thực hiện các đợt tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý, các khu vực công cộng và tại các hộ dân.
Nhờ những cách làm trên, môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loài động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo... đã xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt. Bãi biển sạch đẹp, môi trường du lịch được cải thiện.