Tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng công trình đưa điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo Trần theo Quyết định số 4085/QĐ-UBND đầu tư giai đoạn II bằng vốn ngân sách và triển khai từ tháng 1/2020. Giai đoạn II của dự án có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ xã Vĩnh Thực thành phố Móng Cái ra thôn Đảo Trần huyện Cô Tô.
Quy mô dự án bao gồm: xây dựng mới gần 20 km đường dây trung áp 22 kV; trong đó, có trên 13,5 km cáp ngầm dưới biển và gần 7 km đường dây trên không; 3 trạm biến áp với tổng công suất 460 kVA và 3,2 km đường dây hạ áp 0,4 kV và 65 công tơ đo đếm điện.
Giai đoạn I đã hoàn thành do Công ty Điện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 197 tỷ đồng. Dự án có quy mô: mở rộng 1 ngăn lộ xuất tuyến 22 kV tại trạm 110 kV Móng Cái; xây dựng mới đường dây 22 kV 1 mạch với tổng chiều dài 28,456 km; xây dựng mới đoạn tuyến cáp ngầm xuyên biển 22 kV; xây mới 3 trạm 22/0,4 kV với tổng công suất 460 kVA; xây dựng mới lưới điện hạ áp 0,4 kV tổng chiều dài 11,962 km; lắp mới 37 công tơ 1 pha.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Việc đầu tư xây dựng điện lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô có ý nghĩa hết sức to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Dự án hoàn thành giúp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo yên tâm sinh sống, công tác, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Qua đó, thể hiện tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh vì mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên những vùng biển đảo tiền tiêu của tổ quốc.
Đảo Trần thuộc quần đảo Cô Tô là hòn đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, chỉ cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 4 - 5 km. Trên đảo ngoài các đơn vị quân đội, biên phòng, trạm radar hiện có 12 hộ dân với 55 nhân khẩu. Đây đều là các gia đình thanh niên ra đảo lập nghiệp, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển, đánh bắt, thu mua hải sản.
Anh Phạm Văn Dĩnh, cư dân trên đảo Trần chia sẻ, trước đây gia đình chủ yếu dùng điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên chỉ đủ dùng cho sinh hoạt như quạt, đèn. Giờ có điện lưới quốc gia 24/24 giờ, người dân rất vui mừng, phấn khởi. Gia đình mua thêm tủ đông để bảo quản hải sản đánh bắt về. Từ đây cuộc sống người dân sẽ thay đổi nhiều.
Ông Nguyễn Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: "Với hạ tầng đã được đầu tư, chúng tôi sẽ cố gắng động viên bà con nâng cao giá trị các sản phẩm thủy hải sản của mình, tiếp cận với những công nghệ dây chuyền để nâng cao năng suất, phát triển kinh tế. Chắc chắn tới đây đảo Trần sẽ là điểm đến thu hút rất nhiều người dân tới làm ăn và định cư tại đây. Điều đó sẽ đặt ra thách thức với Cô Tô về việc quản lý đất đai, xây dựng đô thị hay tài nguyên môi trường, an ninh trật tự… Tuy nhiên, tôi tin rằng với truyền thống giữ đất giữ đảo cũng như truyền thống của người dân Cô Tô nói chung và Đảo Trần nói riêng, buổi lễ ngày hôm nay sẽ là điều kiện để bà con yên tâm bám biển, bám đảo và làm tốt hơn công tác bảo vệ lãnh thổ chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc".