Sạt lở và bồi lấp đang ngày càng diễn ra phức tạp tại vùng bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hơn 7 km bờ biển - nơi tập trung nhiều dự án cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp đang bị sóng biển gây sạt lở, hư hỏng nặng. Luồng biển Cửa Đại - nơi đi về của hàng nghìn phương tiện lại bị bồi lấp nặng.
Để giữ bờ biển, hàng trăm tỷ đồng đã được tỉnh Quảng Nam và các nhà đầu tư sử dụng để xây dựng các tuyến bờ kè chắn sóng. Tuy nhiên những dự án này được xem như là giải pháp tình thế, không có yếu tố bền vững và cũng không mấy thân thiện với môi trường.
Giáo sư, Tiến sĩ Hitoshi Tanaka (Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản) cùng các đồng nghiệp và cộng sự sau khi thực tế đã chỉ ra rằng, việc chống sạt lở bờ biển bằng các giải pháp khác nhau của các chủ đầu tư khách sạn cao cấp bằng các loại vật liệu như cọc bê tông, mái bê tông, bao tải cát, cọc tre và đá hộc đều không bền vững. Chuỗi dữ liệu về biến động đường bờ biển từ hàng chục năm qua và kết quả nghiên cứu, khảo sát trong 2 năm 2013-2014 cho thấy, bờ biển Hội An được cấu tạo chủ yếu bởi cát nhẹ, nền thấp nên bị tác động mạnh của điều kiện động lực biển như sóng, nước dâng. Những quá trình trên gây ra xói lở đường bờ, bồi lấp, di chuyển luồng lạch ra vào cửa sông, phá hủy các công trình ven bờ. Để bảo vệ đường bờ biển, địa phương đã xây dựng nhiều công trình bảo vệ. Tuy nhiên hệ thống bờ kè tại khu vực bờ biển Hội An đều ít phát huy tác dụng, ngược lại còn làm mất bãi tắm, phá hoại cảnh quan, tăng cường xói lở bờ và tiếp tục phá hủy các công trình ven bờ.
Giáo sư, Tiến sĩ Hitoshi Tanaka cho rằng: “Với kinh nghiệm từ Nhật Bản, chúng tôi thấy rằng việc xây dựng các công trình phía thượng nguồn và việc khai thác cát khiến cho bờ biển bị thiếu hụt một lượng cát. Cần bổ sung lượng cát cho bờ biển nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng như hiện nay”. Ngoài ra, các giải pháp công trình và phi công trình như xây dựng hệ thống đê kè phá sóng, đê ngầm, dải ngầm phá sóng, kết hợp giữa giải pháp công trình và nuôi bãi để giảm năng lượng sóng, giảm lượng bùn cát thất thoát, tái tạo nhanh bãi biển theo kinh nghiệm từ Nhật Bản và các nước có nền công nghệ tiên tiến cũng được các nhà khoa học hết sức lưu tâm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định: Trước kia, bờ biển Hội An đã ổn định, thậm chí lấn ra biển trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn các con sông đã ngăn chặn một lượng lớn bùn cát do các con sông tải ra biển. Do thiếu hụt cát cung cấp cho khu vực bờ biển đã dẫn đến thực trạng xói lở bờ biển dữ dội tại khu vực bờ biển thành phố Hội An. Việc đầu tiên của tỉnh Quảng Nam cần làm là nghiêm cấm mọi hình hức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam. Trước mắt do bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng nên sử dụng kè lát mái đã được ứng dụng thành công ở một số bờ biển và nghiên cứu sử dụng giải pháp, công nghệ, kinh nghiệm bảo vệ bờ biển của Nhật Bản như xây dựng hệ thống mỏ hàn kiểu chữ T.
Các nhà khoa học khuyến cáo: Trong quá trình nghiên cứu tổng thể xây dựng hệ thống bờ kè chống sạt lở bờ biển Hội An phải nghiên cứu kỹ điều kiện về địa hình, địa chất, địa chất thủy văn cũng như chế độ gió, dòng chảy của bờ biển Hội An và các vùng phụ cận. Từ đó xác lập được cơ sở khoa học về nguyên nhân, các nhân tố chính gây ra biến động đường bờ tại vùng bờ biển Hội An, các vùng phụ cận như hiện nay. Những giải pháp tổng thể như xây dựng kè cứng, kè mền, kè ngầm để ổn định vùng cửa sông, vùng ven biển, các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm chống nước biển xâm thực, xây dựng hệ thống mỏ hàn, đê ngầm tạo bãi, chống xói lở bờ biển cũng như ngăn chặn kịp thời tình trạng nạo hút cát trên hệ thống sông Vu Gia, sông Thu Bồn.
Từ những đề xuất của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là các giải pháp và kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ sở khoa học để xây dựng chương trình ngăn chặn hữu hiệu nạn sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở vùng bờ biển du lịch Hội An.
Hữu Trung