Giảm ô nhiễm khí thải từ tàu biển

Hiện nay hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí... đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm biển. Dầu được sử dụng làm nhiên liệu, bôi trơn, thủy lực cho tàu, cho đến dầu hàng do tàu vận chuyển; hóa chất lỏng trên tàu... được xả thải ra môi trường là một trong các nguyên nhân. Các loại hàng nguy hiểm như chất nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc… vận chuyển bằng tàu; rác thải; nước thải; sơn chống hà sử dụng cho thân tàu cũng rò rỉ ra biển. Các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu là amiăng, kim loại nặng, hóa chất. Thêm vào đó là ô nhiễm do sự di chuyển của các loài thủy sinh vật thông qua nước dằn tàu; các bệnh truyền nhiễm lan truyền qua con đường hàng hải; hoạt động phá dỡ tàu cũ, thăm dò và khai thác dầu khí trên biển.

Ngày 22/8/2014, tỉnh Quảng Ninh làm việc với Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) và Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long đã thống nhất phương án di chuyển khẩn cấp 7.000 lít dầu biến thế chứa chất độc hại PCB về kho của Công ty Môi trường - TKV (thuộc tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) ở xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Ảnh: Văn Đức - TTXVN


Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng) là một trong những nguồn nhân tạo đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí. Chất lượng của tàu biển Việt Nam thường không cao, nhiều phương tiện đã quá cũ, lạc hậu, hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải... nên đã phát thải nhiều khí độc như SO2, CO2 , CO, NO2 , CxHy ...

Hiện Việt Nam có trên 1.700 tàu vận tải, cùng với số lượng tàu cá khoảng 130.000 tàu, tương ứng với lượng nhiên liệu xăng dầu tiêu thụ khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Có thể nói, đây chính là nguồn gây ra ô nhiễm cho vùng biển, ven biển và nhiều nơi, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường. Đặc biệt tại các thành phố cảng và ven biển do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải như nitơ oxit (NO), dioxit lưu huỳnh (SO2) rất cao. Bên cạnh đó, những chất thải này cũng đã tạo ra những cơn mưa axit và những hạt bồ hóng nhỏ li ti trong không khí.

Nhằm kiểm soát tốt khí thải từ tàu trong hoạt động hàng hải ở mức độ cho phép, Việt Nam cần có các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chuẩn nhà nước cho các tàu cá và tàu vận tải về giảm thiểu phát thải khí thải, đặc biệt khí thải nhà kính, về khoa học công nghệ tàu biển, máy tàu, lò thu gom khí thải. Đối với tàu vận tải, Việt Nam cần sớm xem xét tham gia đầy đủ phụ lục VI -“Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra” của Công ước quốc tế MARPOL 73/78 IMO.

Đồng thời xây dựng các bộ chỉ số theo chuẩn mực IMO về thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI), là một chỉ số có thể thẩm định nhờ tính toán các thông số thiết kế tàu. Chỉ số này là một phương tiện giúp các chủ tàu so sánh hiệu quả các bản thiết kế cùng một loại tàu có kích cỡ như nhau, của nhiều xưởng đóng tàu khác nhau.
Ngoài ra Việt Nam cần tổ chức đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức về giảm thiểu khí thải từ tàu biển và biến đổi khí hậu cho các đối tượng liên quan đến hàng hải, thủy sản và kinh tế biển. Đổi mới công nghệ đóng tàu biển theo tiêu chuẩn hàng hải xanh mới, giảm phát thải động cơ - máy tàu, lò đốt rác. Ban hành chính sách đánh thuế, thu phí khí thải tàu biển; hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức môi trường - hàng hải quốc tế trong lĩnh vực khí thải biển.
Nghiên cứu, xây dựng, thiết lập một số vùng “kiểm soát khí thải” hay “đặc biệt” tàu biển tại các khu vực hải cảng gần khu biển, có giá trị đặc biệt về môi trường sinh thái trên vùng biển Việt Nam. Theo đó, tất cả những tàu biển cỡ lớn có lượng khí thải ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ hạn chế không được cập cảng, hoặc theo chế độ hoa tiêu đặc biệt. "Vùng kiểm soát khí thải" này có thể thiết lập tại 2 khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng và Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh.

Văn Toán

Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại

Trong môi trường hội tụ truyền thông, những nghiên cứu về sự thay đổi và bất biến của nghiệp vụ báo chí truyền thông ở nước ta vẫn còn khá ít ỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN