Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Miền Đông, chủ nhiệm đề tài cho biết, đội ngũ các nhà khoa học của trường sẽ ứng dụng các công nghệ hiện đại như: UAV, phân tích ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo để theo dõi, phân loại và dự báo sự di chuyển của rác thải trên biển. Từ đó, xây dựng mô hình toán học mô phỏng điều kiện thủy văn, động lực học của khu vực nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra những dự báo chính xác và các giải pháp phù hợp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Song, bên cạnh việc cung cấp dữ liệu khoa học, đề tài sẽ thí điểm xây dựng một hệ thống thu gom rác thải xa bờ, có thể nhân rộng ra các khu vực khác. Hệ thống này được thiết kế với chi phí thấp, dễ vận hành và thân thiện với môi trường.
Trong thời gian từ ngày 19/7 đến ngày 2/8, các sinh viên Trường Đại học Miền Đông đã thu gom và phân loại hơn 20 tấn rác thải tại các bãi biển như: Bãi Đầm Trầu, bãi Vông, Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, vịnh Đầm Tre và bến Đầm. Các số liệu thu thập được từ công tác thu gom, phân loại rác thải của sinh viên kết hợp với công nghệ viễn thám hiện đại để xây dựng bức tranh toàn cảnh về tình hình ô nhiễm rác thải biển tại Côn Đảo, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp của đề tài.
Rác thải đại dương đang là vấn đề lớn của Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đề án nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển tại Côn Đảo, bảo vệ hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của hòn đảo ngọc (vừa được Tạp chí Time Out của Anh xếp thứ 2 trong danh sách 9 hòn đảo hoang sơ đẹp nhất thế giới) và tham gia tích cực vào đề án kinh tế tuần hoàn của huyện Côn Đảo.