Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh và các ngành có liên quan triển khai các hình thức, hoạt động thông tin truyền thông về nỗ lực, quyết liệt chống khai thác IUU của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân, nhất là nâng cao nhận thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng không vi phạm khai thác IUU khi hoạt động trên ngư trường, góp phần cùng với tỉnh và cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam. Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang phối hợp với ngành chức năng sản xuất và phát sóng tuyên truyền kế hoạch chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đến tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh trên sóng truyền hình và các hạ tầng Internet.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang tổ chức Đoàn công tác đến thăm hỏi một số chủ tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, qua đó tuyên truyền vận động hơn 120 chủ tàu cam kết không vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và cấp phát hơn 150 tờ rơi về vùng hoạt động khai thác thủy sản. Tỉnh in, cấp phát 10.000 thư kêu gọi lần 2 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang hưởng ứng việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC gửi đến cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.
Cùng đó, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức hơn 400 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 30.000 lượt ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng và cấp phát 22.766 tờ rơi, tờ bướm về chống khai thác IUU, cấp phát 5.445 lá cờ Tổ quốc, 258 ảnh Bác Hồ cho cộng đồng ngư dân. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về chống khai thác IUU trong ngư dân, ngăn chặn và giảm tàu cá của ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh không có tàu cá của ngư dân vi phạm vấn đề này.
Ngư dân Bùi Tấn Lượng ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), hơn 20 năm làm nghề biển, khi được tuyên truyền về chống khai thác IUU đã trở thành “cộng tác viên” tuyên truyền tích cực của địa phương và Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Theo đó, khi có việc cần tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng đang lao động trên biển, lực lượng chức năng tìm đến anh Lượng để tiếp cận các ghe, tàu mời bà con tham gia các cuộc họp.
Đặc biệt, khi Bộ đội Biên phòng cần hỗ trợ phương tiện thực thi nhiệm vụ, anh Lượng sẵn sàng đưa tàu của mình và trực tiếp điều khiển phương tiện cùng với Biên phòng làm nhiệm vụ. Anh Lượng tích cực tuyên truyền tới ngư dân khi ra biển đánh bắt phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải mở kết nối 24/24 giờ, không vi phạm khai thác IUU, không sang vùng biển nước ngoài khai thác…
Anh Lượng chia sẻ: “Việc tôi làm cũng bình thường thôi. Gia đình có ghe đi biển, thuận tiện cho việc gặp gỡ bà con để tuyên truyền pháp luật nên Biên phòng nhờ hỗ trợ thì tôi sẵn sàng. Việc mua cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, hỗ trợ cơ quan chức năng in ấn tài liệu, tờ rơi… là việc cần làm nên tôi tích cực tham gia đóng góp. Vì bà con ngư dân vươn khơi cần phải có kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức về chủ quyền, Luật Biển Việt Nam, không đánh bắt vi phạm vùng biển các nước. Tàu cá Việt Nam phải có treo cờ Tổ quốc mình và trong cabin phải có ảnh Bác Hồ…”.
Góp phần tuyền truyền chống khai thác IUU trên đảo ngọc phải kể đến Cựu chiến binh Danh Phú ở khu phố 3, phường Dương Đông (TP Phú Quốc). Thượng tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông chia sẻ, là cựu chiến binh, người cao tuổi, có uy tín, chú Danh Phú luôn tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương và Biên phòng phát động. Chú đã phát huy tốt vai trò của người dân có trách nhiệm với biển, đảo quê hương.
Là Tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn, Tổ đoàn kết trên biển, thành viên Dân quân biển, chú Danh Phú đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật trên biển. Chú Danh Phú cũng tích cực cùng với chính quyền, đoàn thể, Bộ đội Biên phòng đứng ra tuyên truyền chống khai thác hải sản vi phạm vùng biển các nước; đồng thời tuyên truyền các văn bản luật, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam. Dùng tiền nhà in hàng chục ngàn tờ rơi, mua hàng ngàn lá cờ nước, ảnh Bác để tặng cho ngư dân, kèm theo những lời động viên để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện tỉnh Kiên Giang tổng kiểm tra, rà soát và thiết lập kênh thông tin để quản lý toàn bộ tàu cá trên địa bàn đảm bảo nắm chắc thực trạng về số lượng tàu; tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình…
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để theo quy định tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản, hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dự liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia. Ngành chức năng theo dõi giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS.
Tỉnh xác minh, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định. Ngành chức năng điều tra, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác; tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển, kiểm tra tàu cá ra vào cảng theo đúng quy định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, hiện tổng số tàu cá của tỉnh đã được cấp phép chiếm 95,5%; lắp đặt giám sát hành trình đạt 99,3%.