Phát biểu khai mạc hội thi, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, biển, hải đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc. Từ hình ảnh Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống biển đến những thắng lợi to lớn trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho thấy tổ tiên, ông cha ta không chỉ gắn bó với đất liền mà còn gắn bó với biển khơi. Lấy biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước là một nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam trong lịch sử, cần được giữ vững và tiếp tục phát huy trong thời đại mới.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Việt Nam có vị trí nằm giáp với Biển Đông. Bờ biển nước ta kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Trong số 63 tỉnh, thành phố của nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Trung bình cứ khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Vùng biển nước ta rộng lớn với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, có vị trí địa chiến lược rất quan trọng. Biển và hải đảo Việt Nam còn mang trong mình nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú là tiền đề và là nền tảng cho việc phát triển lâu dài một số ngành kinh tế biển như du lịch, thủy sản, hàng hải, khai khoáng và y dược.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của biển và hải đảo với sự phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển ở phía Đông bắc của Tổ quốc, với bờ biển dài trên 125 km, trong đó huyện đảo Bạch Long Vĩ đóng vai trò là đảo tiền tiêu, bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển, mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; bán đảo Đồ Sơn không chỉ được biết đến là hòn đảo đẹp với hàng chục mỏm đồi, đảo Hòn Dấu, Tháp Tường Long, mà còn có một nhân chứng lịch sử, bến tàu K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu không số làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Đặc biệt đảo Cát Hải là đảo cát duy nhất ở vùng biển và ven bờ Việt Nam. Quần đảo Cát Bà - Long Châu có 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hiện Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đang được đệ trình UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới. Hải Phòng còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa với những khu di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng, cùng những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc của ngư dân miền biển, nổi bật như lễ hội chọi Trâu, quận Đồ Sơn; Lễ hội Làng Cá, tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải.
Trong chiến lược phát triển, Hải Phòng được định hướng là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước với 3 trụ cột chính là: Công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistic; du lịch - thương mại. Đến nay, các ngành kinh tế biển tiếp tục phát triển và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó, Cảng Hải Phòng là Cảng lớn nhất của khu vực miền Bắc. Điều đó càng khẳng định Hải Phòng là thành phố mạnh từ biển và làm giàu từ biển.
Theo Ban tổ chức, hội thi tuyên truyền lưu động về biển và hải đảo Việt Nam góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng.
Hội thi diễn ra từ ngày 18 - 21/5.