Theo đó, khu kinh tế (KTT) ven biển là mô hình phát triển mới có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng, huy động tối đa nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.
Kể từ khi KKT ven biển đầu tiên là Chu Lai được thành lập năm 2003, đến nay, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển. Trong đó, 15 khu kinh tế đã và đang xây dựng, số còn lại chuẩn bị triển khai. Trong năm 2010, có 32 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong KKT được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 15.600 tỷ đồng. Các khu kinh tế này đã thu hút được khoảng 130 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD và 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 537 nghìn tỷ đồng.
Một số KKT ra đời thực sự đóng vai trò động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như trong phạm vi vùng và cả nước như: Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Vân Phong… Tiêu biểu như KKT mở Chu Lai đã làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế của tỉnh Quảng Nam, tác động mạnh mẽ quá trình phát triển công nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nguồn thu ngân sách của địa phương từ KKT Chu Lai năm 2010 đạt gần 2.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 đạt 3.500 tỷ đồng và năm 2015 là 4.000 tỷ đồng. Tại Quảng Ngãi, tác động của KKT Dung Quất còn mang tính đột phá hơn nữa. Riêng nguồn ngân sách của Quảng Ngãi thu từ KKT này năm 2010 đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005.
Tuy nhiên, các KKT đang bộc lộ nhiều bất cập từ vấn đề quy hoạch, cơ chế, chính sách đến phương pháp tiến hành. Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các KKT mới “lấp” được khoảng 9% tổng diện tích đất dành cho các KKT. Nếu so với các khu công nghiệp trong cả nước, quy mô các KKT lớn gấp 10 lần nhưng sự đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì KKT thấp hơn rất nhiều.