Sáng 13/7, Thượng úy Lê Hoài Sang, Trợ lý Tác chiến Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết ngư dân "mất tích" trên tên là Tô Hồng Ngọc (tên thường gọi là Ù, 23 tuổi), tài công của tàu cá Bến Tre số hiệu BT 93024 TS, đã đi tàu về đến tỉnh Cà Mau.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành cho biết Đại sứ quán nước ta đã đề nghị phía Thái Lan ngừng tìm kiếm trên biển.
Trước đó, tài công này được cho là mất tích khi tàu cá nói trên bị chìm trên vùng biển Thái Lan cùng một tàu cá khác trong lúc đang bị hải quân nước này dẫn giải về bờ.
Liên quan đến trường hợp tàu cá với 18 ngư dân của tỉnh Kiên Giang mang hai số hiệu (đăng ký tại Việt Nam là KG 907181 và đăng ký của Malaysia là JHS 7167 vì theo tài công Ngô Chí Trường của tàu này, tàu có hợp đồng đánh bắt tại Malaysia), bị bắt cùng đợt với 4 tàu cá Bến Tre, ngư dân cho biết họ bị hải quân Thái Lan bắt khi đang đi ngang qua vùng biển Thái Lan và trên đường sang Malaysia, chứ không hề đánh bắt tại ngư trường này.
Về phản ứng của Thái Lan sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam có tuyên bố phản đối, nhật báo The Nation dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha ngày 12/7 nói rằng "không có thông tin gì về việc tàu Hải quân Thái Lan nổ súng vào tàu Việt Nam và mọi thứ là do báo chí Việt Nam dựng lên". Ông Chan-ocha cũng nói rằng những ngư dân Việt Nam đã xâm phạm vùng biển Thái Lan và phải bị xử phạt theo pháp luật.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc hôm 11/7 ở Vùng 2 Hải quân Thái Lan, đại diện vùng hải quân này đã thừa nhận là tàu chiến Thái Lan có nổ súng, nhưng cho rằng cần phải điều tra xem các vết thương là do đạn bắn hay không.