Trúng mùa được giá, ngư dân phấn khởi đón Tết
Ngày cận Tết, có dịp đi dọc ven biển tỉnh Quảng Trị qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, ở đâu cũng bắt gặp tàu cá tấp nập ra vào các bến cảng. Ngư dân hối hả đưa cá từ tàu lên bờ, trong khi trên bến cảng nhộn nhịp người mua người bán. Ngư dân Nguyễn Công Hoàng, 57 tuổi, ở khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đưa chiếc tàu công suất 420CV, làm nghề đánh bắt cá thu, cá bè cập Cảng cá Cửa Việt.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, ngư dân tỉnh Quảng Trị hành nghề đánh bắt cá thu, cá bè trúng đậm. Trong ảnh: Thu mua cá thu ngay tại cảng. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Ông Hoàng cùng 5 thuyền viên rất phấn khởi, khi chỉ đi chuyến biển 3 - 4
ngày đã thu được cả trăm triệu đồng từ cá thu, cá bè. Vừa thu lưới ngư
dân Nguyễn Công Hoàng vừa "khoe", có khi chỉ đánh bắt một đêm cũng được
400 - 500 kg cá thu, cá bè. Khi tàu còn đang ở ngoài khơi, các chủ vựa
đã gọi điện liên tục đặt mua hết cá. Niềm vui của ngư dân như được nhân
lên, khi giá của hai loại cá này tăng từng ngày.
Buổi sáng ngày
cuối năm Đinh Dậu ở Cảng cá Cửa Việt, hàng chục tàu cá tấp nập cập cảng.
Cá thu, cá bè "được mùa được giá" giúp nhiều chủ tàu ở Quảng Trị có
doanh thu từ 100 – 400 triệu đồng chỉ trong vài ngày đi biển. Tàu khai
thác ít cũng được 400 kg cá thu, nhiều lên đến 1.000 - 1.500 kg. Hiện
nay giá cá thu đang rất cao. Cụ thể, cá thu loại 1 từ 4 kg/con trở lên
bán tại cảng gần 300.000 đồng/kg; loại 2 dưới 4 kg/con giá 280.000
đồng/kg; gấp hơn hai lần so với ngày thường. Các chủ tàu làm nghề đánh
bắt cá bè cũng trúng đậm. Chỉ đi khai thác từ 2 – 3 ngày ở quanh vùng
biển đảo Cồn Cỏ, tàu ít cũng đánh bắt được 500 kg cá bè, nhiều lên đến 3
– 4 tấn. Giá cá bè bán tại cảng dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg,
gấp đôi so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Non, thôn Xuân Tiến, xã Gio
Việt, huyện Gio Linh làm nghề thu mua cá thu. Theo chị Non, môi trường
biển đã phục hồi nên thị trường tin dùng các loại hải sản nói chung, cá
thu nói riêng.
Chị Non cho biết, cá thu do ngư dân Quảng Trị khai
thác luôn tươi ngon hơn các nơi khác, nên luôn được khách hàng ở các
thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đặt mua. Mặc dù
ngư dân trúng đậm cá thu những ngày cận Tết nhưng "cung không đủ cầu".
Chuyến
biển ngày cận Tết, ngư dân dường như lao động hăng say hơn. Bởi ai cũng
muốn đánh bắt được nhiều cá, để sớm đưa tàu trở về bờ, đoàn tụ với
người thân trong những ngày đầu Xuân. Bà con ngư dân quan niệm, đón xuân
sum họp, an vui và đầm ấm là điềm lành, báo hiệu cho mùa đi biển trong
năm mới luôn được "thuận buồm xuôi gió".
Ngày cận Tết, dù bận rộn
đến đâu, ngư dân cũng dành thời gian làm mâm cỗ cúng trên tàu. Mâm cỗ
cúng có sự bày biện khác nhau, tùy theo cách thể hiện của mỗi chủ tàu,
nhưng tựu chung đều có hoa tươi, thường là cúc vàng. Ngư dân Nguyễn Văn
Sơn, 50 tuổi, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh kể: Trước mâm cúng trên
boong tàu, trong sâu thẳm mỗi ngư dân đều thành tâm tri ân ông cha, đã
dày công giữ gìn chủ quyền biển đảo. Rồi cầu mong linh hồn của những
người đã “nằm lại” trong lòng biển, phù hộ để tàu thuyền của ngư dân
đánh bắt được nhiều tôm cá và luôn vững vàng trước sóng gió, để tiếp nối
sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau khi cúng
xong những bông hoa cúc vàng thường được ngư dân giữ lại và đặt ở mũi
tàu. Để trong chuyến vươn khơi ngày Tết, họ chở theo sắc Xuân ra vùng
biển xa của Tổ quốc. Và cảm động nhất là trên mỗi tàu cá, nhiều lá cờ Tổ
quốc cùng tung bay phần phật trong gió ở vị trí cao nhất trên cột buồm
và nóc cabin. Chuyến biển Tết chủ tàu nào cũng thay mới và treo thêm cờ
Tổ quốc. Với ngư dân, lá cờ Tổ quốc lúc nào cũng phấp phới tung bay là
niềm kiêu hãnh, tự hào khẳng định đây là ngư trường, là vùng biển của
mình, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của quốc gia trên biển.
Chung tay "tiếp sức" cho ngư dân
Bên
cạnh nghề khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Quảng Trị
cũng đã hồi sinh. Các vùng trọng điểm nuôi cá, tôm ở huyện Triệu
Phong, Gio Linh... sôi động trở lại, khi các máy sục khí trong ao hồ,
máy bơm nước từ biển vào ao nuôi luôn hoạt động hết công suất. Người ra
vào thu mua tôm, cá nuôi và cung ứng thức ăn cho vật nuôi luôn tấp nập.
Nhận thấy môi trường biển đã phục hồi, anh Nguyễn Đức Nghĩa, 37 tuổi,
thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong đã đầu tư 500 triệu đồng
cải tạo hai ao, với tổng diện tích 9.000 m2 để thả nuôi hơn 1 triệu con
tôm thẻ chân trắng.
Anh Nghĩa chia sẻ: Môi trường biển phục hồi
nên trở lại với nghề vốn đã gắn bó với mình nhiều năm. Người dân vùng
này hầu hết đã trở lại làm nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở ven biển và
thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Sau sự cố môi trường biển xảy ra
vào tháng 4 đầu tháng 5/2016, tỉnh Quảng Trị đã tập trung hỗ trợ người
dân khôi phục nghề nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi sinh kế, thông qua
xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở 16 xã, thị trấn ven biển
thuộc bốn huyện. Cụ thể các huyện: Vĩnh Linh 18 mô hình, Gio Linh 27 mô
hình, Triệu Phong 17 và Hải Lăng 15 mô hình. Theo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Quảng Trị, các mô hình này đang mang lại hiệu quả thiết
thực, qua đó khuyến khích người dân vùng biển nhân rộng để ổn định sinh
kế lâu dài. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản chi trả bồi thường cho
ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Các địa phương đã chi
trả 1.018 tỷ đồng trong tổng số 1.032 tỷ đồng do tỉnh cấp.
Theo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, việc chi trả bồi thường sự
cố môi trường biển đã đảm bảo chặt chẽ, nên không xảy ra tình trạng
khiếu kiện vượt cấp ra ngoài Trung ương, qua đó góp phần bảo đảm an ninh
trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, ngư dân Quảng Trị còn được ưu tiên
tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong 2 năm 2016 và 2017, người dân Quảng
Trị bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã được vay trên 230 tỷ đồng
vốn tín dụng, để chuyển đổi sinh kế, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh
doanh...
Đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Quảng Trị
cho biết, trong năm 2018 đơn vị dành hơn 210 tỷ đồng vốn tín dụng, cho
người dân ở vùng bãi ngang, ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường
biển, vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế. Thực hiện
Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy
sản, đến giữa tháng 2/2018 tỉnh Quảng Trị có 25 tàu cá, trong đó có 17
tàu cá vỏ thép được đóng mới và đưa vào sử dụng.