Đứng ở đỉnh Liêm Tự nhìn ra bao la, chỉ mong Lý Sơn (Quảng Ngãi) mãi còn hoang sơ, như những cái tên: Chùa Đục, chùa Hang.Đục đá dựng chùaSư cô Thích Nữ Thùy Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Đức kể chuyện dựng chùa Đục. Rằng: Tại núi Thới Lới, ngày xửa ngày xưa, có hang Cọp. Dân trên đảo thấy con cọp trong hang không tấn công người, gọi nó là cọp tu. Một lần, cọp xuống biển, bị con bạch tuột lớn bám vào, chết.
Đầu những năm 60 thế kỷ trước, nhà sư Giác Tuấn đến Lý Sơn, thấy trên vòm hang Cọp xưa một dây bồ đề bám chặt vách, nên vào hang, đắp tượng Phật. Sư rời hang. Vài năm sau, những con mắt phật tử - nghệ sĩ đã thấy hang Cọp là nơi lí tưởng để lập chùa, từ đó, năm 1964, chùa Đục được… đục.
“Gọi tên chùa Đục bởi người ta đục vào vách đá để có chỗ thờ Phật” - anh Trần Văn Dũng, người địa phương, dẫn đường cho chúng tôi, nói.
Con đường xanh men đến chân núi Giếng Tiên, ngọn núi lửa ngủ mê nghìn năm. Dưới chân núi, lởm chởm đá rẽ sóng dựng lên một vòm cong, người ta gọi là cổng trời - cái cổng có thể nhìn thấy ở những tấm hình lưu niệm của du khách trở về từ Lý Sơn. Tượng phật Quan âm tay bắt ấn, sừng sững trước cổng chùa. Trên cổng ghi câu đối: “Bích Chi dạo gió tìm sơn động - Đỉnh Tự dừng chân chuyển pháp luân”. Men theo lan can quanh co lên đỉnh, đếm có 139 bậc đá. 50 năm, thời gian đủ để rêu phong những bậc đá và những hốc đá mà người ta đục vào vách. Thi thoảng, gặp vài ni cô tọa bên hốc, hứng nắng hoàng hôn.
Tới đỉnh, đỉnh Liêm Tự, một lòng chảo tựa đấu trường La Mã xanh đầy cỏ. Nghĩ rằng, một triệu năm trước, lòng chảo là chỗ mắc ma phun trào, thấy rợn người. Ở đây, nhìn ra bao la, nắng hoàng hôn chiếu xuống, nhốm vàng tượng Phật, nhốm đỏ nước biển trải tít chân trời.
Cuộc giao duyên giữa tự nhiên và ngườiTừ bến tàu, đi chừng 1 cây số ngược hướng chùa Đục, là tới chùa Hang - một cái hang tự nhiên nằm trong hệ thống động lớn nhất Lý Sơn ở núi Thới Lới. Men theo hai bên sườn núi, xuống từng bậc tam cấp, lại thấy một tượng Quán Thế Âm đứng thư thả bên cây bàng biển đã mấy trăm năm tuổi.
Trên cổng chùa khắc chữ Hán Nôm: “Thiên khổng thạch tự” (chùa đá trời xây). Không biết chắc chùa được dựng từ năm nào. Theo H. Parmentier, chùa Hang vốn là một hang đá người Chăm dùng làm nơi cư trú. Người Việt đến khai phá vào đầu thế kỷ XVII, chùa thành nơi thờ Phật. Sách Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn có nói về chùa Hang: “Phía đông đảo có động, trong động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân ẩn nấp ở đây”.
Một mạch nước rỉ ra từ rêu đá, và rất ngạc nhiên, sát biển nhưng là nước ngọt. Vốc một ngụm nếm vào mát lạnh. Anh Dũng chỉ ra 2 lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, nói rằng 2 lối này là đường lên trời và đường xuống địa ngục. Càng vào sâu càng lạnh. Một vòm đá trĩu xuống tựa chạm khẽ những bàn thờ có tượng Phật, Đạt Ma và những vị tiền hiền đã khẩn hoang Lý Sơn. Nước rỉ ra từ kẽ đá loang loáng dưới chân.
Đường dẫn tới chùa Hang men theo bờ biển với những cánh đồng tỏi đang chờ thu hoạch, chìm trong những vạt ngô xanh. Mùa này hoa hoàng hậu vàng cả những góc tường rào, vàng cả những ngôi mộ gió. Băng qua những mảng màu rực rỡ của hoa trái, màu xanh căng tràn của núi, của trời, của những con sóng miệt mài vỗ. Để tới và thấy chùa Hang đẹp còn hơn tiên cảnh.
Bài và ảnh: Mai Thành Dũng