Theo thống kê, 8 khu vực chính có san hô bị tẩy trắng và chết bao gồm: Khu vực biển Côn Sơn, hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Đầm Tre, hòn Tre lớn, Tre nhỏ và Ông Đụng. Bị tẩy trắng và chết nhiều nhất là các loài san hô cành, kế đến là san hô khối, san hô phiến và san hô nấm.
San hô ở vùng biển Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN. |
Nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái rạn san hô do bị tẩy trắng và chết tại các khu vực không còn khả năng phục hồi tự nhiên, giảm thiểu suy thoái đa dạng sinh học biển Khu vực Ramsar, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý chủ trương xây dựng và triển khai dự án ứng dụng công nghệ trồng phục hồi san hô cứng (các loài San hô cành). Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, Ban Quản lý Vườn đã nghiên cứu Đề án ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo.
San hô là loài cộng sinh với tảo, nhiệt độ thích hợp để tồn tại và phát triển ở vào khoảng 27-28 độ C. Tháng 5 vừa qua, do bị ảnh hưởng của hiện tượng El nino, nước biển tại vùng biển Côn Đảo nóng lên bất thường khiến tảo bị chết kéo theo một diện tích lớn san hô bị chết tạm thời nên gọi là hiện tượng tẩy trắng. Đến cuối tháng 10, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành khảo sát toàn bộ diện tích san hô bị hiện tượng tẩy trắng trong tháng 5. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 200 ha san hô tại các khu vực biển Côn Đảo đã tự phục hồi.
Vào các năm 1998 và năm 2010, tại vùng biển Côn Đảo, các tập đoàn san hô cũng bị tẩy trắng và chết do hiện tượng Elnino. Một số khu vực san hô không thể phục hồi tự nhiên và phải triển khai trồng khôi phục lại hiện trạng. Rạn san hô đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hệ sinh thái biển, là nơi cư trú của các loài sinh vật đáy và các loài cá. Các rạn san hô này được chia ra làm nhiều tầng và mức độ che phủ như rừng nhiệt đới.