Cụ thể, từ khoảng 23 giờ ngày 20/4 đến 2 giờ 20 phút ngày 21/4/2024 trên địa bàn huyện Cô Tô có mưa to, kèm theo dông lốc với gió cấp 5 - 6, có lúc giật cấp 7 - 8. Dông, lốc xảy ra nhanh, bất ngờ, gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.
Trong đó có 10 phương tiện (tàu, mảng, bè vớt sứa) bị đắm, 10 người đi trên phương tiện đã được cứu giúp vào bờ an toàn, không có ngư dân nào bị nạn mà chưa được ứng cứu. Trong đó có 8 ngư dân của huyện Cô Tô và 2 ngư dân của tỉnh Thanh Hóa đi đánh bắt trên vùng biển phía Nam của đảo Cô Tô.
Đại diện lãnh đạo huyện Cô Tô cho biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin, huyện đã nhanh chóng huy động trên 50 cán bộ, chiến sỹ, điều động 1 tàu cứu nạn, 2 xuồng và 2 ô tô cùng với nhân dân nhanh chóng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, đưa các ngư dân vào bờ an toàn. Tình hình sức khỏe của các ngư dân ổn định, đã trở về nhà sau khi được đưa lên bờ rạng sáng 21/4.
Trận mưa dông diễn ra trong thời gian ngắn song sức gió rất mạnh đã làm tốc mái nhiều nhà dân; hư hại nhiều cây xanh lớn trên các tuyến phố trung tâm. Nhiều tàu thuyền của ngư dân bị trôi dạt. Nhiều cây xanh ven đường, biển quảng cáo bị đổ, hỏng, một số nhà có các quán lợp bằng tôn bị tốc mái. Hiện chưa thống kê được tổng thiệt hại bằng tiền đối với tài sản.
Đến nay, công tác thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả vẫn đang được tiếp tục khẩn trương triển khai, tình hình trên biển ổn định, giao thông thông suốt.
UBND huyện Cô Tô chỉ đạo, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chủ động kịp thời khắc phục các thiệt hại do dông, lốc gây nên tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được phụ trách; khẩn trương tìm kiếm tài sản, phương tiện tàu, thuyền, mủng, mảng trên địa bàn bị chìm đắm, trôi dạt; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, huy động lực lượng tại chỗ và người dân khẩn trương dọn dẹp vệ sinh đường phố, nâng chống các cây xanh bị đổ, tháo dỡ các biển quảng cáo, biển hiệu, đèn trang trí... bị đổ gãy, rách; huy động toàn lực lượng hỗ trợ khắc phục nhà dân bị hư hỏng do dông, lốc...