Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo của huyện đảo Phú Quý trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá tiềm năng kinh tế biển của Phú Quý rất lớn, do đó huyện cần tập trung rà soát và đề xuất quy hoạch vùng nuôi phù hợp; sắp xếp lại khu vực nuôi tại Phú Quý và mở rộng diện tích nuôi trên biển, tạo điều kiện cho mô hình nuôi kết hợp với dịch vụ lồng bè phát triển.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị huyện tập trung vận động, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Quý, các công trình hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư mới; di dời các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung; bảo đảm công tác hậu cần, dịch vụ nghề cá; sắp xếp các phương tiện vận chuyển hàng hóa trật tự, bảo đảm việc lưu thông thuận lợi...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng các hồ chứa ngọt trên đảo là cần thiết và cần sớm triển khai. Hiện nay nguồn nước ngầm và từ các hồ chứa mới chỉ đủ cung cấp nước sạch cho khoảng 70% người dân trên đảo. Còn lại phải dùng nước từ nguồn giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa. Gần đây, kinh doanh dịch vụ, du lịch, chế biến thủy sản ở huyện đảo phát triển khá mạnh nên nhu cầu nguồn nước ngọt ngày càng cao, đòi hỏi đảo cần thêm nhiều hồ trữ nước bổ sung, hạn chế khai thác nước ngầm…
Về các kiến nghị của huyện, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những vấn đề cấp bách, thiết yếu của huyện. Đoàn công tác ghi nhận và sẽ tổng hợp trình Quốc hội và Trung ương xem xét.
Phú Quý là huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý về phía Đông Nam. Diện tích tự nhiên phần mặt đất nổi 18 km2 với dân số khoảng 28.000 người, gồm 3 xã (Tam Thanh, Long Hải, Ngũ Phụng), có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng, nằm trên tuyến giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa và nằm tiếp cận tuyến hàng hải quốc tế, là căn cứ nổi phục vụ các đội tàu đánh bắt cá xa bờ.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quý Lê Quang Vinh cho biết, huyện hiện có 1.560 chiếc tàu thuyền, trong đó có 580 tàu công suất 90 CV trở lên (111 chiếc làm dịch vụ thu mua và chế biến hải sản). Năm 2022 khai thác hải sản đạt 35.201 tấn, đạt 117,33% so với kế hoạch năm so với cùng kỳ (năm 2021 là 31.916 tấn) tăng 10,3% (3.285 tấn). Toàn huyện có 80 tổ thuyền đoàn kết với 530 tàu thuyền tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong khai thác hải sản và các sự cố, rủi ro, bão trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ năm 2018 đến nay, chưa phát hiện tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Huyện đảo hiện có 34 khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ và 40 homestay. Năm 2022 đã thu hút được khoảng 95.300 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 55.149 lượt khách so với cùng kỳ. Giao thông vận tải đường biển tuyến Phú Quý - Phan Thiết duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách và vận chuyển hàng hóa với 15 tàu (5 tàu chuyên chở khách; 10 tàu chuyên chở hàng hóa, dịch vụ hậu cần). Hệ thống các công trình hạ tầng thủy sản được quan tâm đầu tư. Cảng biển được nâng cấp, mở rộng; đã hoàn thành công trình Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý - giai đoạn 1. Các công trình bảo vệ đê kè biển tiếp tục thực hiện các gói còn lại của dự án Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý.
Về hoạt động cung ứng điện, Điện lực Phú Quý thành lập năm 1999. Hiện phát điện 24 giờ/ngày; giá bán điện áp dụng như giá bán điện đất liền.
Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quý đề nghị Trung ương quan tâm đến các dự án hồ chứa nước ngọt tại huyện Phú Quý, vì các hồ nước ngọt này rất cần thiết cho đảo trong việc thẩm thấu về lâu dài để giữ nguồn nước mặt và bảo về nguồn nước ngầm trên đảo; quan tâm đầu tư kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo, đây là khu vực nguy cơ bị xâm thực, ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận dân cư sống gần bờ biển.