Không náo nhiệt, đông vui như ở đất liền, Tết Trường Sa mang đến một không khí đầm ấm, tươi vui và sâu lắng, nghĩa tình. Trên đảo Trường Sa, những công trình được sửa sang, dọn dẹp. Những lối đi sạch sẽ, phong quang với những hàng cây xanh mướt được trồng khắp trên đảo, bao bọc quanh cột mốc chủ quyền thiêng liêng.
Không khí Tết trở nên rộn ràng hơn khi các chiến sĩ tất bật sắp xếp hàng hóa, nhốt vào chuồng những chú lợn vẫn nằm lăn quay vì khật khừ say sóng. Khu vực Hội trường đảo rộn rã tiếng cười, mỗi người một tay cùng trang trí với đào, quất, mâm ngũ quả, những món quà của người dân cả nước vừa theo tàu ra đảo. Đèn nhấp nháy sáng rực rỡ, chuẩn bị cho đêm vui đón Tết.
Nhưng vui nhất, mang đậm không khí Tết nhất vẫn là hoạt động gói bánh chưng chan chứa tình quân dân. Gạo nếp, đỗ xanh được ngâm từ sáng, lá dong xanh mướt được rửa cẩn thận. Quân và dân cùng nhau gói, tiếng cười rộn rã cả một góc đảo, xen lẫn trong tiếng gió biển là tiếng cười trong trẻo của những đứa trẻ.
Khệ nệ bê rổ gạo to với những hạt gạo tròn trắng muốt, chiến sĩ Bùi Khắc Tình, Trạm ra đa 11, đảo Trường Sa tươi cười cho biết, anh và các chiến sĩ trên đảo đã rất mong chờ ngày được đón đoàn công tác ra thăm. Còn chiến sĩ Hoàng Minh Phương, Phân đội 37, đảo Trường Sa lại rưng rưng khi được mọi người hỏi thăm, chúc Tết. “Tết đến ai cũng nhớ nhà, nhớ đất liền, nhất là trong giờ phút giao thừa, nghĩ về gia đình, bố mẹ. Nhưng tôi cũng như các chiến sĩ đều xác định rõ nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân. Hơn nữa, ở đây, chúng tôi được các đồng chí chỉ huy thương yêu, quan tâm như con cháu trong nhà. Vì thế, nỗi nhớ nhà cũng vơi đi rất nhiều, tất cả đều yên tâm làm nhiệm vụ”, chiến sĩ Hoàng Minh Phương chia sẻ.
Lần đầu đón Tết tại đảo, Trung úy Tôn Chí Quân, Phân đội 2, đảo Trường Sa tâm sự, đón Tết tại đảo có cảm giác rất khác biệt, vừa bồi hồi xao xuyến, vừa thiêng liêng hãnh diện khi là người trực tiếp được canh giữ biển trời của Tổ quốc để nhân dân và ngư dân vui đón Tết, xen lẫn vào đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đất liền. “Chúng tôi mỗi người một việc, người thì gói bánh chưng, người thì trang trí bàn thờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu, cắt tỉa chăm sóc thảm cỏ, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ... Nhờ đó, dù có cách xa đất liền hàng trăm hải lý, chúng tôi vẫn thấy ấm lòng như đón Tết ở gia đình”, Trung úy Tôn Chí Quân chia sẻ.
Tại khu vực nhà dân, không khí đón Tết sớm cũng rộn ràng không kém. Trước hiên nhà, cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió. Trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Bác Hồ là mâm ngũ quả với bánh chưng, bánh kẹo đủ đầy. Những cây đèn nhấp nháy làm bằng vỏ sò, vỏ ốc biển được lấy ra, lau chùi để trang trí đón năm mới.
Vợ chồng anh Nguyễn Minh Vinh vừa chỉnh trang ảnh Bác Hồ trên bàn thờ vừa kể, ở đảo ít có hoa tươi nên hầu như trong nhà, người dân quanh năm đều trưng hoa ốc trên bàn thờ. Đây là món quà quý từ biển quê hương có ý nghĩa đặc biệt với người dân sinh sống trên đảo.
Còn tại nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, không khí Tết rộn ràng khi cả nhà cùng nhau lựa chọn, phân loại rau củ quả, đồ thực phẩm cho dịp Tết. Chị cùng hàng xóm nấu chè cúng gia tiên, vừa làm vừa nói cười rôm rả. Tất cả đều hối hả làm thật nhanh để còn đi gói bánh chưng với bộ đội.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa) Trần Văn Hoàng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước quan tâm, hướng về Trường Sa, nhiều năm qua, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo ngày càng được cải thiện. Những món quà, sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất đã kéo khiến Trường Sa gần hơn, thu hẹp dần khoảng cách với đất liền.
Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, đây là lần thứ hai anh đón Tết cùng với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa. Tết Nguyên đán ở đảo không có nhiều hoạt động náo nhiệt như ở đất liền, nhưng tình cảm đầm ấm thì không kể xiết. Các cán bộ, chiến sĩ coi nhau như người thân trong gia đình, cùng chúc nhau những điều may mắn, bình an trong năm mới.
“Được làm nhiệm vụ tại đây là vinh dự lớn lao với mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa. Chúng tôi luôn xác định trách nhiệm của mình trước sự tin tưởng của Đảng, quân đội, nhân dân cả nước, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng Trường Sa đẹp hơn, xanh hơn, vững chãi hơn”, Thượng tá Phạm Thế Nhương khẳng định.
Tết ở Trường Sa là như thế, luôn ấm áp và nghĩa tình. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, các chiến sĩ Trường Sa vẫn luôn chắc tay súng canh trời, giữ biển, giữ bình yên cho đất nước, để nhân dân vui đón Tết.