Thuyền cá bị hỏng máy, mắc cạn tại eo biển Nghi Lộc

Chiều 9/1, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin: Một thuyền đánh cá của ngư dân xã Ngọc Bích, trong quá trình khai thác hải sản vùng lộng đã xảy ra sự cố hỏng máy trong đêm tối. Thuyền bị gió to, sóng lớn đánh dạt vào bờ, mắc cạn trên cát trong eo biển thuộc địa phận xóm Trung Thành, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Chú thích ảnh
Tại vị trí mắc cạn, thuyền đánh cá nằm ngang so với chiều dài bờ biển và nghiêng về phía biển. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Khi xảy ra sự cố, rạng sáng 9/1, trên thuyền có 3 người gồm chủ thuyền và 2 thuyền viên, tất cả đều an toàn. Phương án giải cứu phương tiện khỏi tình trạng mắc cạn đang được chủ phương tiện và các thuyền viên, đoàn viên 2 nghiệp đoàn nghề cá của địa phương triển khai.

Tại hiện trường chiều cùng ngày, thuyền cá mang số hiệu NA-80157-TS, có công suất hơn 140CV, chiều dài gần 14m, của ngư dân Trần Văn Quốc (trú tại xóm Quyết Thành, xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) mắc cạn trên eo biển thuộc địa phận huyện Nghi Lộc, cách đất bờ (khu vực đầm nuôi tôm của người dân địa phương) khoảng gần 20m.

Thuyền đánh cá nằm ngang so với chiều dài bờ biển và nghiêng về phía biển. Với sự giúp sức, hỗ trợ của người dân, chủ thuyền và các thuyền viên đã sử dụng dây thừng giằng níu để hạn chế phương tiện bị nghiêng, tránh sóng đánh phủ lên khoang thuyền. Người nhà chủ thuyền và người thân các thuyền viên đã dựng lều, đốt lửa sưởi ấm cùng trông coi phương tiện và đồ đạc.

Theo các thuyền viên bị nạn, thời điểm xảy ra sự cố trời rất tối, sương mù dày đậm, che khuất tầm nhìn kèm theo gió to, sóng lớn. Khi thuyền bị mắc cạn, mọi người đã nhanh chóng tháo dỡ máy móc, vận chuyển dầu, lưới giã, hệ thống cột, dây, máy tời… đưa lên bờ để thuyền nhẹ hơn, hạn chế bị lún sâu, chôn chặt đáy thuyền trong cát.

Dự kiến đêm 9/1 và rạng sáng 10/1, khi thủy triều lên đỉnh điểm, chủ tàu và các thuyền viên sẽ tìm cách xoay thân thuyền để phần mũi hướng ra biển, nhằm tránh sóng lớn va đập mạnh lên thân thuyền; đồng thời sửa chữa những chỗ hư hại; chờ thời điểm sóng lặng, gió nhẹ sẽ nhờ phương tiện khác của Nghiệp đoàn nghề cá kéo ra biển và lai dắt về bến để sửa chữa, lắp lại máy, dựng cột tời…

Đây là trường hợp đầu tiên trong năm 2025, thuyền cá của ngư dân huyện Diễn Châu gặp sự cố hỏng máy và bị sóng đánh dạt, mắc cạn trên bờ. Trong năm 2024, có ít nhất 5 phương tiện của ngư dân trong huyện bị sóng đánh mắc cạn vào bờ, thuộc khu vực cửa biển Lạch Vạn. Trong đó, có một phương tiện do không giải cứu được phải dỡ bỏ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Huyện Diễn Châu có hơn 25 km đường bờ biển. Địa phương hiện có hơn 500 tàu, thuyền chuyên khai thác hải sản và hàng trăm bè mảng. Theo kinh nghiệm của ngư dân có thâm niên đi biển, vào các tháng cuối năm (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau), tình trạng sương mù, sóng to, gió lớn thường xuất hiện trên biển, ven biển. Bờ biển Diễn Châu trải dài qua các xã ven biển, bãi ngang có đặc điểm thoải, rộng. Nếu người điều khiển phương tiện tàu, thuyền không chú ý luồng tuyến, không giữ khoảng cách với bờ thì rất dễ đi vào vùng nước nông và bị sóng đánh dạt, mắc cạn.

Hải An - Xuân Tiến (TTXVN)
Ngư dân phải dỡ thuyền do bị mắc cạn
Ngư dân phải dỡ thuyền do bị mắc cạn

Chiều 5/11, ngư dân đã phải dỡ chiếc thuyền bị mắc cạn trong quá trình vào cửa biển Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN