Những thương hiệu đã nức tiếng gần xaGia đình chị Ngọc Thu (Hà Nội) vừa trải qua 3 ngày nghỉ trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Sau khi tham quan, tắm biển, lặn biển... gia đình chị dành hẳn một ngày để đi thăm vườn hồ tiêu, các cơ sở chế biến nước mắm, ngọc trai... trên đảo. Chị Thu cho biết, chỉ trong một ngày, chị đã “bội thu” quà tặng về cho gia đình, bạn bè gồm 5 ký tiêu tươi cùng các sản phẩm chế biến từ hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng cùng các món đồ trang sức như vòng và nhẫn ngọc trai được nuôi trồng, chế biến và sản xuất ngay tại vùng đảo ngọc của Tổ quốc.
Tiêu là một trong những thương hiệu nổi tiếng của Phú Quốc. |
Phú Quốc (Kiên Giang) từ lâu đã được mệnh danh là đảo ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam với quần thể 22 hòn đảo lớn nhỏ, nằm trong vịnh Thái Lan. Trong năm 2015, hòn đảo ngọc này đã đón hơn 890.000 lượt khách thăm quan. Đây là một trong những địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm gắn liền với du lịch. Hiện nay, Phú Quốc, có diện tích hồ tiêu gần 500 ha, tập trung phần lớn ở hai xã Cửa Dương và Cửa Cạn với năng suất bình quân đạt 2 - 3 tấn/ha.
Theo “Chiến lược biển đến năm 2020”, xây dựng và phát triển Thương hiệu Biển không chỉ là đòn bẩy kích thích để phát triển kinh tế biển, đảo, quản lý khai thác, sử dụng và bảo tồn biển, đảo Việt Nam hiệu quả, bền vững, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cư dân vùng biển, ven biển và toàn xã hội để có ý thức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. |
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc cho biết, huyện đã phát triển vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP phù hợp với quy hoạch xây dựng đảo ngọc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế. Vùng tiêu đạt chuẩn này sẽ là những điểm tham quan, hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến đảo và qua đó sẽ phát huy lợi thế của nhãn hiệu “Hồ tiêu Phú Quốc” đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận năm 2011. Cùng với hồ tiêu, nước mắm và ngọc trai Phú Quốc cũng là những sản phẩm được yêu thích và thu hút khách du lịch đang được huyện đầu tư phát triển.
Tương tự như Phú Quốc, Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ lâu được biết đến là “Vương quốc tỏi”. Tỏi Lý Sơn là thương hiệu sáng giá trong các mặt hàng nông sản của cả nước. Thương hiệu này không chỉ được khẳng định ở Việt Nam mà đang lan tỏa đến thị trường ngoài nước. Mỗi năm trồng tỏi đem lại thu nhập bình quân cho huyện đảo Lý Sơn 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm. Tháng 4 - 5 là mùa thu hoạch tỏi Lý Sơn. Đây cũng là thời điểm số lượng du khách ra thăm đảo tăng đáng kể bởi nhiều du khách mong muốn có được những trải nghiệm cùng thu hoạch tỏi với nông dân trên đảo.
Cùng với đó, những vùng biển đảo như Nha Trang (Khánh Hòa), Cát Bà (Hải Phòng)... cũng đã xây dựng được các sản phẩm nối tiếng như Yến sào Nha Trang, nước mắm Cát Hải, mật ong rừng Cát Bà... Những thương hiệu này đã góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và khẳng định thế mạnh về tài nguyên biển của đất nước.
Cần chiến lược phát triển bền vữngKhai thác tiềm năng, thế mạnh và lợi thế từ biển đang trở thành mục tiêu quan trọng mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã xây dựng “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu đưa đất nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Để thực hiện mục tiêu này, việc xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững trong đó phát triển Thương hiệu Biển Việt Nam là rất cấp thiết.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.700 km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2 là Phú Quốc (Kiên Giang), Cái Bầu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng), 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1 km2 và khoảng trên 1.400 đảo nhỏ chưa có tên với nhiều tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá, hệ thống đảo nước ta phân bố tự nhiên thành các tuyến cho nên, về ý nghĩa kinh tế có thể ví mỗi hòn đảo là “một hòn ngọc xanh” trên nền biển bạc. Một số đảo, cụm đảo ven bờ có lợi thế địa lý, diện tích lớn và đông dân cư như Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn... có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế biển - đảo, phát triển nghề cá, các hoạt động khai thác biển xa cũng như du lịch biển - đảo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mới chỉ có số ít vùng biển đảo đã xây dựng được thương hiệu du lịch cũng như thương hiệu cho các sản phẩm từ biển, đảo. Sở dĩ như vậy bởi hiện nay nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, thống nhất và đồng bộ để xây dựng một qui hoạch tổng thể cho việc khai thác tiềm năng tài nguyên biển và hải đảo. Việc đánh giá về lợi thế, tiềm năng tài nguyên, môi trường biển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, dẫn đến việc thiếu quan tâm chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế biển, đảo. Việc phát triển Thương hiệu Biển mới ở giai đoạn khởi đầu, trong khi đó tiềm năng, lợi thế của biển, đảo là vô cùng to lớn.
Ông Vũ Sỹ Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để xây dựng được một thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu vùng biển, đảo là vô cùng khó, đòi hỏi quá trình dài và cần có sự đồng bộ từ trên xuống dưới. Do đó, để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công Thương hiệu Biển, sản phẩm biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh. Cần có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp với các địa phương có biển, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển.
Hình thức quảng bá sản phẩm cần đa dạng, giới thiệu sản phẩm riêng đặc trưng của mỗi đảo với nhiều hình thức. Đồng thời, các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Cà phê, Ca cao... để xây dựng thương hiệu tập thể và thương hiệu riêng cho từng mặt hàng của cơ sở sản xuất, chế biến.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo ra những lợi thế ưu đãi khuyến khích cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình.