Ngày 14/7, tại huyện Châu Thành, Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành tổ chức Hội nghị tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam; lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ và kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Gần 200 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Châu Thành đã tham dự.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Lê Văn Chuyển, hội nghị nhằm cung cấp thông tin tuyên truyền cơ bản về chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói chung, trong đó có chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; tuyên truyền về lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ; một số vấn đề cơ bản về kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Qua đó, giúp đại biểu tham dự không chỉ nắm được thông tin về các vấn đề nêu trên mà còn có thể trở thành một báo cáo viên, một tuyên truyền viên, góp phần tuyên truyền có hiệu quả cho địa phương, cho đơn vị của mình.
Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện từ lâu việc tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói chung, trong đó có chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Công tác này càng được tập trung đẩy mạnh, có trọng tâm và tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng người dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ 2015 đến nay. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hai đợt triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” ở huyện Phú Quốc và thành phố Rạch Giá; sau đó Sở Thông tin và Truyền thông cùng các ban ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng thực hiện nhiều đợt tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu được xem đoạn phim 30 phút về những tư liệu, bằng chứng pháp lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; tham quan những tư liệu, hình ảnh được trưng bày để nhận thức đúng về quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này. Qua đó, bác bỏ những thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa; đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn tuyên truyền lịch sử về vùng đất Nam Bộ. Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc, lãnh thổ và biên giới của Việt Nam ngày càng được củng cố, và từ lâu đã là một thực thể thống nhất từ Bắc đến Nam, trong đó có vùng đất Tây Nam Bộ, vốn là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang Lê Văn Chuyển cho biết, việc tuyên truyền nội dung này nhằm giúp chúng ta hiểu được chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ, bác bỏ thông tin sai trái gần đây cho rằng Nam Bộ không phải của Việt Nam.
Hiện nay, việc khai thác thông tin trên internet, mạng xã hội là nhu cầu cần thiết của đại bộ phận các tầng lớp người dân. Tuy nhiên nhận thức về sự cần thiết, tính ưu việt cũng như những hạn chế, tiêu cực từ mạng xã hội thì không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Nội dung trao đổi một số vấn đề cơ bản về kỹ năng sử dụng mạng xã hội tại Hội nghị giúp trang bị những thông tin cơ bản cần thiết về những tính ưu việt của mạng xã hội, đồng thời giúp đại biểu tham dự nhận thức được những mặt trái của mạng xã hội. Từ đó, biết cách khai thác thông tin một cách hiệu quả nhất để phục vụ cho cá nhân, cho cuộc sống và cho xã hội…