Đây là một trong những hội thảo quốc tế thường niên uy tín hàng đầu tại Ba Lan do Bộ Ngoại giao Ba Lan, Văn phòng Tỉnh trưởng và Thị trưởng TP Lodz bảo trợ. Tham dự Hội thảo có gần 50 học giả, các nhà nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu của Ba Lan, Anh, Đức, Séc, Hungary, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia…
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: CTV Việt Ba |
Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra buổi thảo luận về vấn đề Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và an ninh hàng hải ở Châu Á” do Giáo sư, Tiến sỹ Malgorzata Pietrasiak - Trưởng Ban tổ chức LEAM điều hành.
Các học giả tham dự đã điểm lại những diễn biến đáng chú ý gần đây trên Biển Đông, nhất là hoạt động từ phía Trung Quốc bồi đắp, mở rộng và xây dựng trên các điểm đảo, bãi đá trong thời gian qua làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc này cũng như tương quan lực lượng trên thực địa.
Những hoạt động lấn chiếm và quân sự hóa đã vi phạm nghiêm trọng an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, đồng thời làm phức tạp tiến trình giải quyết tranh chấp. Việc đảm bảo an ninh hàng hải và hàng không ở tuyến đường biển quan trọng bậc nhất trên thế giới này không phải là trách nhiệm của riêng ai.
Quang cảnh chung hội thảo. Ảnh: CTV Việt Ba |
Do đó, các tổ chức quốc tế và các nước lớn cần tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình giải quyết tranh chấp nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Các diễn giả và học giả khẳng định, chỉ có thể giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hiệu quả nếu tất cả các bên trực tiếp liên quan có thiện chí. Trước mắt, cần thúc đẩy hoàn thiện thỏa thuận khung về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tháng 8/2017, đồng thời cam kết về một COC có tính ràng buộc về pháp lý.