Trước thế kỷ thứ XVII, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “Đội Hoàng Sa” ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp.
Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như “Đội Hoàng Sa”. Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra đóng trên các đảo.
Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo.
Sau chiến tranh thế giới lần II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 8/3/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao đổi việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam.
Tháng 1/1974, khi Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của Trung Quốc.
(Theo cuốn: Hỏi - Đáp về biển đảo Việt Nam, NXB Thanh Niên)