Vững vàng biển trời Tây Nam - Bài 1

Vùng biển Tây Nam của nước ta có ranh giới biển tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan... giữ vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân cũng như các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân vẫn kiên cường bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Mỗi năm, người dân sống ven biển tại các đảo Tây Nam như Thổ Chu, Hòn Chuối... đều phải dời nhà hai lần, khi đổi mùa gió.

Giàu nghèo cũng 2 nhà

Đúng 23 giờ, con tàu HQ637 nhổ neo, bắt đầu cuộc hành trình chúc Tết nhân dân và các chiến sĩ trên các đảo Tây Nam của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Sau hơn 6 tiếng vượt chặng đường dài, tiếng còi tàu hú vang chào đất liền và cập đảo Thổ Châu (thuộc quần đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Khi chúng tôi đến cũng là lúc bình minh đang lên trên hòn đảo này. Ấp Bãi Ngự, trung tâm của xã đảo nhộn nhịp người qua lại nhiều người dân bắt đầu mua sắm hàng hóa Tết. Khu vực neo đậu của những ghe thuyền người dân chài phấn khởi thu hoạch từng giỏ đựng đầy cá đem giao các cửa hàng... Nhưng theo những người dân sống tại đây, cảnh yên bình ấy chỉ diễn ra... theo mùa.

Những ngôi nhà trên đảo Hòn Chuối.

Bà Võ Thị Yến (40 tuổi) nhà ở ấp Bãi Ngự cho biết, gia đình bà làm nghề buôn bán và đi biển đánh cá. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình cũng có nguồn thu nhập đủ để chi tiêu. Tuy nhiên, so với trong đất liền, cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Khổ nhất là phải chuyển nhà theo mùa gió. Ở đây một năm, trừ những người có nhà xây kiên cố xa biển, những người sống ven biển phải dời nhà hai lần. Khi gió đông bắc về, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, ghe thuyền chạy về hết bên bãi Ngự, còn khi gió tây nam nổi lên, bà con lại dời nhà sang bãi Dong ở từ tháng 5 đến cuối tháng 9. Những người dời nhà chủ yếu là dân chài lưới, làm cá, làm mực thuê, chạy đò và những gia đình bán tạp hóa, đồ ăn cho dân chài lưới. “Do mỗi năm phải chuyển nhà hai lần nên nhà nào cũng chỉ sắm những vật dụng cần thiết nhất để chuyển đi cho đỡ nặng. Vì vậy, những ngôi nhà ở bãi Ngự đa phần trông rất lụp xụp”, bà Yến cho biết.

Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, cuộc sống chuyển nhà theo mùa của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình cứ 6 tháng lại phải đi thuê mướn nhà rất vất vả. Ở đây người ta cho thuê nhà theo mùa, từ 8 - 11 triệu đồng/mùa, là khoản không nhỏ so với những gia đình khó khăn. Việc chuyển nhà không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, việc học hành của trẻ nhỏ...

Sống cùng gió bão

Đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đến nay vẫn còn hoang sơ đến bí hiểm. Hòn Chuối có ba gành: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Hiện lên trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà nhỏ, thậm chí có những nhà chỉ được quây tạm bằng bạt. Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ tự quản đảo Hòn Chuối cho biết, ở đây, mỗi năm người dân phải chuyển nhà 2 lần, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân về sống ở gành Nam để tránh gió chướng và từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, họ lại về gành Chướng để tránh gió mùa tây nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai loại gió này chưa nổi lên, cả hai phía đảo đều lặng sóng.

Nằm ngay gần sát biển, căn nhà của chị Kim Anh rất đơn giản, chỉ là mấy cái cột nhỏ cong queo dựng làm kèo, vách nhà được quây bằng bạt, nhà lợp bằng mái tôn cũ kỹ. Đồ đạc trong nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá, giữa nhà là cái võng bắc ngang. Chị Kim Anh cho biết, nhà chị thậm chí còn không có giường, chỉ để vài tấm ván kê lên lấy chỗ nằm mà thôi, bởi mỗi năm chuyển nhà 2 lần, nên càng ít đồ dùng càng tốt. “Ra đảo cũng gần chục năm nay nhưng vẫn không thể ổn định, mỗi lần chuyển nhà vừa tốn kém tiền vận chuyển vừa mất thời gian cất nhà mới”, chị Kim Anh cho biết.

Hầu như nhà nào ở đây cũng chung cảnh ngộ như gia đình chị Kim Anh. Có nhà xây dựng lên rồi bị sóng đánh cho tan hoang. Nhà bà Nguyễn Thị Thanh Sang là một trong những căn nhà kiên cố nhất tại Hòn Chuối. Nhà được xây bằng gạch, nền lát đá hoa, nhưng bà Sang cũng luôn nơm nớp lo... mất nhà. Bởi cách đây không lâu, nhà bà cũng xây lên kiên cố, nhưng chỉ qua một trận bão, sóng đánh tan hoang cả nhà. Khi chuyển về, gia đình bà lại mất nhiều công sức, tiền của mới xây được nhà như hiện tại. “Có nhà ở đây làm đi làm lại nhiều lần, vay nợ nhiều nên không xây dựng nữa, chỉ phủ bạt ở tạm thôi. Khổ lắm nhưng vẫn phải “sống chung” với bão gió vậy thôi”, bà Sang cho biết.

Ở đây chỉ có cá là nhiều, còn cái gì cũng thiếu, rau củ quả phải mua từ đất liền chuyển vào. Cả hòn đảo có chưa đầy chục máy phát điện, vài hộ chung một cái. Để tiết kiệm, máy phát chỉ chạy buổi tối. Thế nhưng vượt lên trên khó khăn, người dân đã phát triển mô hình nuôi cá bớp lồng bè và đem lại hiệu quả cao. Hiện trên đảo có 54 hộ với 126 người dân, trong đó 80% làm nghề nuôi cá bè với 120 bè nuôi cá bớp. Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ tự quản đảo Hòn Chuối cho biết, nuôi cá bớp đã đem lại nguồn lợi, thay đổi phần nào cuộc sống của người dân ở đây. “Trên đảo rất thuận lợi cho việc nuôi cá bóp lồng bè vì ít dân, không có đơn vị sản xuất nên nguồn nước không bị ô nhiễm, ít xảy ra dịch bệnh, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng”, ông Phương cho biết.
Bài và ảnh: Thu Trang
Vững vàng biển trời Tây Nam - Bài 2
Vững vàng biển trời Tây Nam - Bài 2

Thổ Châu (thuộc quần đảo Phú Quốc, Kiên Giang) là một trong những xã đảo lớn với 570 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu. Đời sống người dân đã khấm khá hơn trước nhờ nghề nuôi, đánh bắt cá và buôn bán dịch vụ. Thế nhưng điều trăn trở lớn nhất của người dân nơi đây vẫn là việc học hành của con trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN