CONMEBOL có 10 thành viên nhưng Copa America muốn quy tụ 12 đội bóng chia thành 3 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội nên thường mời thêm 2 đội bóng khách mời. Trước đây, khách mời của Copa America thường là các đội bóng láng giềng. Năm 2019, Copa America xuất hiện thay đổi lớn khi 2 khách mời Nhật Bản và Qatar đều tới từ châu Á.
Điều tương tự sẽ xảy ra tại Copa America 2020. Chỉ ít giờ trước khi Copa America 2019 khởi tranh, CONMEBOL thông báo Australia và Qatar đã nhận lời mời tham dự Copa America 2020.
Đây sẽ là lần thứ 2 Qatar tham dự giải đấu với tư cách khách mời. Hiện tại, nhà đương kim vô địch châu Á đang chuẩn bị cạnh tranh tại Copa America 2019. Họ nằm cùng bảng B với Argentina, Colombia và Paraguay. Giải đấu cạnh tranh như Copa America sẽ là cơ hội để Qatar cọ xát, có thêm kinh nghiệm trước thềm World Cup 2022 diễn ra trên sân nhà.
Với Australia, đây là lần đầu tiên họ nhận lời tham dự Copa America. Theo HLV trưởng Graham Arnold, Australia nhận lời mời tham dự Copa America với mục đích chính là để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022.
Như vậy, sau Copa America 2019, Copa America 2020 sẽ là lần thứ hai trong lịch sử, cả hai đội khách mời của giải đấu này đều đến từ châu Á.
Trước đây Australia chơi tại Giải Vô địch châu Đại Dương. Năm 2013, Australia gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ba năm sau, Australia được chấp thuận trở thành thành viên của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) nhưng không tham dự AFF Cup vì trình độ chuyên môn quá chênh lệch so với khu vực. Tuy nhiên, với sự phát triển và sức cạnh tranh mạnh mẽ của AFF Cup những năm gần đây, có thể thấy khoảng cách giữa Australia và các đội tuyển ASEAN đã được thu hẹp đáng kể. Điều này đã được chứng minh tại Asian Cup 2019, khi Australia chỉ đến vòng tứ kết như tuyển Việt Nam.
Giải đấu được tổ chức năm 2020 cũng sẽ là lần đầu tiên Copa America diễn ra theo chu kỳ các năm chẵn và lần đầu tiên được tổ chức tại 2 quốc gia. Argentina và Colombia là hai nước đồng chủ nhà của giải đấu.