Theo một thống kê mới được Công ty bảo mật Irdeto công bố, có tới hơn 10% số vụ vi phạm bản quyền các trận đấu tại Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup) 2018 có sự góp mặt của đội tuyển Brazil, trong đó trận đấu giữa đội tuyển của xứ sở Samba và đội tuyển mang biệt danh "Quỷ đỏ" Bỉ là trận đấu có số lượng vi phạm nhiều nhất từ đầu giải cho đến nay.
Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản dẫn thống kê cho thấy công ty Irdeto đã phát hiện 5.088 vụ livestream lậu các trận đấu tại World Cup 2018 đang diễn ra tại Nga, trong đó có 582 vụ vi phạm bản quyền các trận đấu của tuyển Brazil với Thụy Sĩ, Costa Rica và Serbia tại vòng bảng.
Đội tuyển Anh cũng là mục tiêu ưa thích của các trang livestream lậu với 523 vụ dù các trận đấu của đội tuyển xứ sở sương mù đều được tường thuật trực tiếp trên BBC iPlayer và trang mạng ITV. Đáng ngạc nhiên, các trận đấu có đội tuyển Maroc lại đứng thứ hai trong danh sách các trận đấu bị vi phạm bản quyền phát sóng với 561 vụ.
Các trận đấu của đội tuyển Bồ Đào Nha với sự góp mặt của ngôi sao Cristiano Ronaldo đứng thứ 3 trong danh sách bị vi phạm với 535 vụ.
Công ty Irdeto cho biết, hầu hết các vụ vi phạm bản quyền được thực hiện dưới dạng chia sẻ qua mạng xã hội hay các nền tảng chia sẻ hình ảnh như Facebook, Twitter hay Youtube bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các công ty này. Ông Rory O'Connor, Phó chủ tịch cấp cao của Irdeto, nhận định World Cup là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, do vậy có sức hút đặc biệt đối với những kẻ đánh cắp nội dung. Do đó, ông O'Connor cho rằng các chủ sở hữu nội dung, chủ bản quyền và chủ sở hữu nền tảng phải phối hợp với nhau và sử dụng công nghệ cũng như các dịch vụ chủ động để loại bỏ các hoạt động trình chiếu lậu khi giải đang đi vào những trận đấu hấp dẫn.
Trong khi đó, một số chuyên gia an ninh mạng lại lên tiếng cảnh báo về những tác hại của việc truy cập các trang web vi phạm bản quyền. Ông Joep Gommers, Giám đốc điều hành hãng bảo mật EclecticIQ, cho biết "nếu truy cập các trang web trình chiếu lậu, máy tính của người dùng sẽ bị tấn công theo hình thức tự động tải xuống, có nghĩa là khi bạn truy cập một trang web thì các mã độc sẽ tự động được tải về máy tính mà người dùng không hề hay biết".
Trong một thông điệp vừa được đưa ra, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) nhận thấy mức độ nghiêm trọng của các hoạt động xâm phạm tài sản trí tuệ của cơ quan này, do vậy FIFA đang tìm kiếm các giải pháp để ngăn chặn, trong đó bao gồm cả các hành động chống lại các tổ chức hợp pháp nhưng lại ủng hộ các hoạt động bất hợp pháp này.