Nhưng đấy là sự thật. Những cái đầu bê bết máu. Những cái ghế bị vứt ra đường. Các đống chai lọ vỡ vụn. Những cuộc xô xát giữa các nhóm hooligan và cảnh sát Pháp là hình ảnh quen thuộc ở Marseille trong ba ngày từ 10 đến 12/6, khi diễn ra trận đấu giữa Anh và Nga.
Những cuộc xô xát giữa các nhóm hooligan và cảnh sát Pháp là hình ảnh quen thuộc ở Marseille trong ba ngày từ 10 đến 12/6. Ảnh chụp tại Marseille. |
Mà những hình ảnh đáng buồn ấy đã từng xuất hiện 18 năm về trước, trong giải World Cup 98, khi hooligan Anh làm loạn ở khu Vieux Port (Cảng Cũ) của thành phố lớn thứ nhì nước Pháp. Điều gì đã xảy ra và tại sao? Có lẽ là một sai lầm khi bố trí trận Anh-Nga ở Marseille, nơi đã từng là “sân khấu” của các cuộc ẩu đả giữa cổ động viên Anh và cổ động viên Tunisia, những người đã liên minh với các cổ động viên nóng đầu người Hồi giáo ở địa phương để chiến đấu chống lại họ, sau khi một nhóm người Anh quá khích chặn chiếc xe chở một người Tunisia ở khu Vieux Port và đốt chiếc cờ Tunisia gắn trên xe anh ta.
Theo một số nhà bình luận người Italy, những người đã quá quen với các cuộc bạo động giữa các tifosi và cảnh sát, thì chiến thuật cấm vào sân với những cổ động viên bị đưa vào danh sách nguy hiểm và bố trí cảnh sát tại các điểm nóng trong kỳ EURO này tỏ ra không hề hiệu quả. Họ đưa ra một danh sách các cổ động viên bị cấm tới Pháp với lí do những kẻ này nguy hiểm và sau đó bố trí lực lượng cảnh sát ở các điểm nóng có nguy cơ xảy ra bạo động tại các thành phố. Chiến thuật này không tỏ ra có tác dụng trong những ngày qua, đặc biệt là sau các vụ xô xát giữa các nhóm hooligan Anh với cảnh sát ở Marseille. Mặc dù vậy, không thể nói là nước chủ nhà Pháp tỏ ra ngạc nhiên trước những gì có thể sẽ xảy ra. Một loạt các trận đấu của giải đã được đưa vào danh sách có nguy cơ bạo động. Vào tháng 5, trên nhật báo Liberation, ông Antoine Boutonnet, người đứng đầu của Cơ quan quốc gia về chống hooligan (DNLH) thuộc Bộ Nội vụ Pháp đã nói đến nguy cơ cổ động viên Anh và Nga có thể sẽ liên kết để chống lại người Hồi giáo tại Marseille và cũng có thể sẽ “chiến đấu” với nhau. Nguy cơ thứ hai đã xảy ra.
Đương nhiên là người ta nhận ra sự nguy hiểm từ các cổ động viên Anh. Nhưng các cuộc xung đột vẫn xảy ra, dường như không thể ngăn cản được. Phóng viên TTXVN tại Marseille nhận thấy một điều khác nữa: Không có lệnh cấm bán bia trước trận đấu tại các điểm nóng, trong đó có khu Vieux Port và ở gần sân Velodrome. Những kẻ say xỉn người Anh đã uống bia như uống nước từ sáng tại đây và mang hàng thùng bia ra vỉa hè Marseille để uống cho đến khi say mềm. Và rồi những cơn say thức tỉnh thú tính trong nhiều người trong số họ. Các cuộc đánh lộn đã xảy ra sau khi họ bị khiêu khích, hoặc chính họ đi khiêu khích cảnh sát và bị cảnh sát đánh lại. Việc có quá ít cảnh sát đặc biệt từ các nước tham dự giải tham gia vào cái gọi là “Trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế” (CCPI), một đơn vị được lập nên để phối hợp cảnh sát 24 nước có mặt tại EURO, cũng tỏ ra thiếu hiệu quả.
Lestrelin, một nhà xã hội học người Pháp nói trên nhật báo Corriere della Sera của Ý rằng: “Cảnh sát Pháp không quen đối mặt với hooligan”. Điều này thì người ta thấy rõ từ trận chung kết Cúp Pháp hôm 21/5 ở sân Stade de France giữa PSG và Olympique Marseille, phép thử cuối cùng cho việc chống bạo động của nước chủ nhà cho EURO. Kết quả: Hai đám cháy được các kẻ côn đồ thắp lên trên sân vận động, pháo nổ và pháo sáng vẫn được đưa vào sân bằng cách nào đó, bất chấp một bức tường cao 2,5 mét đã được dựng lên. Một thất bại toàn tập!