Dimitri Payet - Bông hoa nở muộn "xứ Lục lăng"

Ngay sau khi được triệu tập vào đội tuyển Quốc gia Pháp, không phụ lòng mong đợi của huyến luyện viên, Payet ngay lập tức trở thành linh hồn của đội tuyển, làm lu mờ đi “Cậu bé vàng” Paul Pogba trong những trận giao hữu chuẩn bị.

Dimitri Payet sẽ trở thành linh hồn của đội tuyển pháp tại EURO 2016. Ảnh: AFP

 “Thật khó để biết ông ấy yêu cầu gì ở tôi, tôi cảm thấy thật bất công” – Đây là câu nói mà Dimitri Payet phải thốt lên khi không được huấn luyện viên (HLV) Didier Deschamps triệu tập vào đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Pháp một năm trước trong quá trình chuẩn bị cho Vòng chung kết Giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO) 2016.

Payet không hề vô lý, anh đã chơi một thứ bóng đá tinh tế tại câu lạc bộ (CLB) West Ham (Anh), đến mức các bình luận viên Sky Sports phải thốt lên rằng họ đã không thể đếm nổi số bàn thắng anh ghi được từ các tình huống cố định. Chẳng phải tay vừa, HLV Deschamps đáp lại: “Tôi không bận tâm, cầu thủ nói những gì họ muốn, trong cuộc sống bạn nhận được những gì mình xứng đáng”. Đã có lúc tưởng như cơ hội tiếp tục khoác chiếc áo lam của Payet là con số không…

Được đôn lên đội hình 1 của CLB Nantes (Pháp) mùa giải 2005/2006, chàng tiền vệ có gương mặt bầu bĩnh mang tên Payet ngay lập tức khiến giới truyền thông chú ý bởi lối đá hoa mỹ của mình. Payet có óc quan sát nhanh và đôi chân cực “ngoan”, anh nhiều lần khiến cả sân vận động phải đứng dậy vì những pha chuyền không tưởng hay những cú sút phạt có quỹ đạo khó nắm bắt. Tài đi đôi với tật, năm 2011 Payet quyết định bỏ tập để gây sức ép đòi ra đi lên Ban lãnh đạo Saint-Étienne. Nước Pháp thời điểm đó vô cùng “dị ứng” với những hành động vượt rào của các cầu thủ, đặc biệt trong bối cảnh ĐTQG vừa phải lên máy bay về nước sớm tại Vòng chung kết Giải bóng đá vô địch thế giới (World Cup) 2010 do tranh cãi nội bộ. Báo chí Pháp gọi hành động của Payet là “ngu xuẩn”, bất chấp sau đó anh đạt được nguyện vọng ra đi.

Sau sự cố đáng xấu hổ tại World Cup 2010, bóng đá Pháp quyết cải tổ bằng cách thanh lọc cả về năng lực lẫn đạo đức các cầu thủ đại diện cho quốc gia. Những cầu thủ như Payet vô tình bị đưa vào danh sách đen, dù chơi hay đến đâu vẫn không được triệu tập vào ĐTQG. Càng ngày Payet chơi càng hay, nhưng cơ hội cứ thế trôi qua tầm tay như gió thoảng.

“Nếu việc được khoác áo ĐTQG chỉ khiến tôi buồn, thì tôi không muốn nữa”. Phát biểu lần này của Payet dù vẫn gai góc, nhưng ai cũng cảm nhận được vết thương mà Payet đang mang trong tim. Rõ ràng những hành động của anh tại cấp CLB không thể là thước đo cho niềm tự hào dân tộc bên trong Payet.

Cả nước Pháp đượm buồn khi đội bóng con cưng của họ bị Tây Ban Nha loại ở vòng Tứ kết EURO 2012. Sau tất cả, cách mạng của họ một lần nữa thất bại. Payet chuyển sang chơi cho CLB West Ham mùa Hè 2015 ở tuổi 28, vào thời điểm mà nước Pháp xem như sự nghiệp của anh ở cấp ĐTQG đã chấm dứt. Nhưng tận sâu bên trong Payet vẫn luôn bùng cháy khát vọng một lần nữa được khoác lên mình chiếc áo lam, mong ước ấy khiến anh mơ dưới mưa, ngủ ngoài mưa…

Người ta không còn thấy một Payet thích biểu diễn hay gây gổ với đối thủ nữa, anh chơi bóng một cách lầm lì, đặt yếu tố hiệu quả lên hàng đầu. HLV Didier Deschamps không phải không nhận ra điều đó, tuy nhiên tàn dư cuộc cách mạng năm nào vẫn còn ám ảnh ông. Ông hiểu rằng để tìm lại vinh quang, bóng đá Pháp không thể tiếp tục gạt đi những cầu thủ như Payet. Tháng 3/2016, ông ra quyết định khiến cả nước Pháp phải bất ngờ khi triệu tập lại Payet, với lời khẳng định rằng anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Chứng kiến Payet thi đấu, HLV Deschamps phải thốt lên rằng anh là niềm cảm hứng bất tận của “Gà trống Gaulois”. Không chỉ thi đấu hay, Payet còn rất tích cực tiếp thu những chỉ đạo của HLV Deschamps, rõ ràng việc gạt bỏ những định kiến cá nhân đã khiến cả hai đồng lòng hơn. Trên tất cả, họ đều mang trong mình dòng máu Pháp, với mong muốn được cống hiến cho quốc gia.

Ở tuổi 29, sự nghiệp của Payet không còn dài, EURO 2016 cũng có thể là giải đấu quốc tế cuối cùng của anh. Hơn lúc nào hết “Bông hoa nở muộn của xứ Lục lăng” đang khao khát được tỏa hương, dẫu chỉ một lần rồi khép cánh. Giống như thế hệ của Zidane ở World Cup 1998 hay EURO 2000, khi nước Pháp học được bài học khiêm nhường, cả thế giới sẽ lại phải nín thở chờ đợi.
Tô Sơn Tùng (TTXVN)
Những"chú ngựa ô" của Euro 2016
Những"chú ngựa ô" của Euro 2016

Nếu dựa vào tính bất ngờ của những giải đấu lớn như lần lên ngôi vô địch của Đan Mạch tại EURO 1992 hay Hy Lạp tại EURO 2004, vẫn còn hàng loạt các đội tuyển khác có khả năng tạo ra bất ngờ trong mùa EURO năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN