Thầy trò HLV Philippe Troussier chỉ còn một trận đấu mang tính chất thủ tục với U22 Thái Lan ngày 11/5. Đây là thời điểm để vị chiến lược gia người Pháp đưa ra những tính toán nhằm dưỡng sức hoặc chọn đối thủ cho vòng đấu quan trọng phía trước.
Vị chiến lược gia tuổi đang phần nào chứng minh được triết lý kiểm soát bóng, tấn công mà ông theo đuổi là đúng đắn. Nhưng để góp phần giải bài toán không hề dễ dàng ấy có dấu ấn rất lớn từ tiền đạo trẻ Nguyễn Văn Tùng. "Sát thủ" thuộc biên chế CLB Hà Nội đóng góp 4 trên 7 tổng số bàn thắng của U22 tại SEA Games 32 tính đến thời điểm này.
Dù vậy, ít ai biết rằng, trước khi trở thành một tiền đạo, Văn Tùng từng có quãng thời gian dài thi đấu trong vai trò một tiền vệ. Một HLV từng huấn luyện chân sút người Đông Anh chia sẻ: "Khi mới tuyển Tùng vào U15 Hà Nội, cậu ấy lúc đó đã có lợi thế rất lớn về chiều cao nhưng gầy, mảnh khảnh. Từ U15 Tùng thi đấu ở vị trí tiền vệ, tới U19 ở Gia Lai, Tùng được đưa lên đá tiền đạo trong bối cảnh đội thiếu tiền đạo do do chấn thương. Lúc đó, Tùng đã chơi đầu khá tốt và biết chọn vị trí, chơi được độc lập nên mới được quyết định cho đá tiền đạo".
Bản thân tiền đạo 22 tuổi này cũng luôn ý thức được việc phải tập luyện, hoàn thiện kỹ năng dứt điểm, đánh đầu, chọn vị trí. Sau mỗi buổi tập, Văn Tùng cùng Văn Trường, Đức Anh, Anh Tú… đều ở lại luyện thêm. Những tình huống được tập nhiều nhất là bài căng ngược từ biên ngang cho tiền đạo chọn vị trí cắt bóng ghi bàn.
Sự có mặt của Văn Tùng tại SEA Games 32 có thể coi là phương án hoàn hảo để "sửa lỗi" cho chuyến tập huấn tại Doha Cup 2023. Tại giải đấu ở Qatar, giới chuyên môn dễ dàng nhìn thấy ông Troussier cần một tiền đạo cao lớn, có khả năng tác chiến độc lập, tì đè ở phía trên để "làm tường". Văn Trường hay Quốc Việt đều tỏ ra "non" trong việc chọn vị trí, khuấy đảo hàng phòng ngự phía trên tạo khoảng trống cho tiền vệ băng lên. Nói cách khác, bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 trong trận đấu gặp Malaysia của Văn Tùng là tóm tắt ngắn gọn nhất các yêu cầu của HLV Troussier ở một tiền đạo.
Trong hệ thống 3-4-3 với nhiều cầu thủ kiểm soát bóng, vị chiến lược gia người Pháp vẫn cần một tiền đạo tì đè tốt, chơi đơn giản và đặc biệt là chạy chỗ tốt. Những pha bóng chuyền xuyên tuyến vào "nách" đối thủ hoặc ra phía sau hàng tiền vệ cần mẫu tiền đạo chạy cắt mặt, dứt điểm ngay khi có thể.
Việc Văn Tùng đóng góp dấu ấn vào cả 4 bàn thắng trên tổng số 7 bàn của U22 Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại cho thấy anh luôn được dồn bóng tối đa và là chìa khóa trong cách vận hành của HLV Philippe Troussier. Ở thời điểm hiện tại, có thể nói Văn Tùng đang là mảnh ghép hoàn hảo nhất cho chiến thuật của U22 và đội tuyển Việt Nam trong tương lai không xa.
Nhưng để nói đoàn quân áo đỏ và Văn Tùng vẫn cần thêm những trận đấu để kiểm chứng khả năng cũng không hề sai. Thử thách mang tên U22 Thái Lan là liều thuốc thử hợp lý cho tham vọng, cách vận hành, vai trò của U22 và chân sút người Đông Anh.
Hoặc giống như người thầy cũ của Văn Tùng chia sẻ: "Ở thời điểm hiện tại Tùng đang được đặt đúng chỗ và phát huy hết khả năng của mình nhưng điều mà cậu ấy cần cải thiện hơn nữa là tâm lý thi đấu, khả năng chuyền bóng, phối hợp cùng đồng đội và dứt điểm. Đây mới chỉ là thành công bước đầu trong hành trình rất dài mà Tùng phải trải qua. Cá nhân em ấy cần giữ được cái đầu lạnh và đôi chân trên mặt đất".