Đó là điều luôn được chờ đợi, và không thể nào khác trong lịch sử 88 năm của giải đấu này. Đó là lý do vì sao Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trao cho khu vực Nam Mỹ đến 4,5 suất tham dự World Cup, dù họ chỉ có 10 thành viên. Và châu Âu, luôn luôn phải có 14 tấm vé ở sân chơi này.
Cổ động viên đội tuyển Anh trong trận đấu với đối thủ Colombia ở vòng loại. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sự xuất hiện của các đại diện châu Phi hay châu Á ở vòng tứ kết trở đi trong quá khứ, cũng chỉ là phần thưởng thêm vào của World Cup, vốn luôn nằm trong sự thống trị của những đội bóng lớn đến từ cựu lục địa và Nam Mỹ.
World Cup, dù có diễn ra theo cách nào, đầy bất ngờ và hy vọng những điều thú vị xảy ra, thì vẫn phải được kể bằng cách riêng của nó: Đó là cuộc chiến giữa hai khu vực bóng đá lớn nhất thế giới, nơi có 5 đại diện của châu Âu, cùng 3 đại diện của Nam Mỹ là Brazil, Argentina và Uruguay đã thay nhau giành chiếc Cúp vàng lịch sử này.
Brazil, như vị thế của nó trong quá khứ, đang trở thành ngọn cờ đầu cho một cuộc tập kích thật sự tới châu Âu, sau khi bị hất văng ra khỏi các trận chung kết suốt 16 năm qua, và đó cũng là khoảng thời gian mà các đại diện của lục địa già thống trị bóng đá thế giới, từ Italy, tới Tây Ban Nha và sau đó là Đức.
4 năm trước, ở ngay xứ sở của những người vô địch World Cup nhiều nhất hành tinh, người Đức ngạo nghễ đánh sập niềm tự hào đó bằng một chiến thắng đã khiến Brazil đi vào lịch sử với tư cách một trong những đội bóng để thua đậm nhất ở Bán kết. Và sau đó, hạ gục nốt Argentina của Lionel Messi trong trận chung kết, để đăng quang ngay tại mảnh đất Nam Mỹ.
Trong gần 30 năm qua, chỉ Brazil là đủ sức đánh bật sức áp đảo của các đội bóng châu Âu, với hai lần vô địch vào năm 1994 cùng Alberto Parreira và 2002 cùng Felipe Scolari. Argentina, đại diện lớn khác của Nam Mỹ đã thất bại hai lần trong các trận đấu cuối cùng vào năm 1990 và 2014, với cùng một đối thủ là Đức.
Và thật kì lạ, trong hai lần Brazil lên ngôi ở Bắc Mỹ và châu Á, đội bóng áo vàng - xanh đều phải chơi theo phong cách của người châu Âu, với những cầu thủ trưởng thành từ cựu lục địa, được mài giũa trong môi trường bóng đá khoa học, bài bản và nhiều tính toán chiến thuật như Carlos Dunga, Romario, Bebeto, Jorginho, Mauro Silva và sau đó là Ronaldo Nazario, Rivaldo, Roberto Carlos hay Cafu.
Những nhân vật tiêu biểu này đại diện cho thứ bóng đá giàu toan tính, đặt hiệu quả lên hàng đầu và lược bỏ hầu hết những giá trị truyền thống của người Brazil về thứ bóng đá đẹp Jogo Bonito. Và điều đó tiếp tục trở thành triết lý để đội bóng xứ sở Samba tìm lại vinh quang ở nước Nga, cùng dàn cầu thủ đang chơi bóng ở tất cả các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đều là lựa chọn số 1, ngoại trừ hậu vệ cánh phải Fagner.
Cầu thủ Neymar của Brazil ghi bàn trong trận đấu Brazil - Mexico ở Samara ngày 2/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Brazil, một phần nào đó là Uruguay, lấy những cầu thủ chơi bóng ở cựu lục địa trở thành nòng cốt, và triết lý thực dụng để làm nền tảng để chiến thắng. Thậm chí, người ta có thể coi, đó là cuộc nội chiến ở châu Âu, hay là điển tích "con ngựa thành Troy".
Kể từ lần cuối cùng Argentina lên ngôi vô địch World Cup năm 1986, châu Âu thật sự chỉ phải đối phó với Brazil trong 32 năm qua, nếu vượt qua đối thủ này ở các vòng đấu loại trực tiếp như ở năm 2006, 2010 và 2014, các đại diện của cựu lục địa gần như cầm chắc chức vô địch trong tay.
Chỉ có người Pháp mới đủ những phẩm chất để chiến thắng Brazil trong một trận chung kết (1998) trong khoảng thời gian này, và 8 năm sau, họ loại đối thủ ở Tứ kết World Cup 2006, với chung một cái tên Zinedine Zidane, thủ lĩnh cho những chiến thắng đó.
Les Bleus, một lần nữa, là tất cả những hy vọng để châu Âu giữ chiếc cúp ở lại cựu lục địa, trước sự công phá dữ dội của Brazil, những người đang muốn lặp lại một vòng lịch sử 60 năm, khi họ đăng quang World Cup lần đầu tiên vào năm 1958 trên đất Thụy Điển.
Ở vòng Tứ kết, Pháp sẽ phải đối mặt với Uruguay, đội bóng vừa loại Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo bằng đúng triết lý phòng ngự thực dụng mà người Bồ đã dùng để đăng quang EURO 2016, còn họ thì giành vị trí thứ tư ở World Cup 2010.
Vượt qua được thách thức này, Pháp sẽ có thể đối mặt với Brazil ở bán kết, nơi họ sẽ mở ra một cuộc chiến lịch sử với đội bóng áo vàng xanh, để mở ra hành trình mà Zidane đã tạo dựng 20 năm trước ở thủ đô Paris tráng lệ.
Những thống kê thú vị:
- Brazil là đội bóng duy nhất của Nam Mỹ vô địch tại châu Âu, đó là ở kỳ World Cup 1958 được tổ chức tại Thụy Điển. Trong khi Đức là đại diện châu Âu đầu tiên vô địch ở đất Nam Mỹ vào năm 2014.
- Có 5 đội bóng đến từ châu Âu trở thành nhà vô địch thế giới là Italy, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Trong đó, Italy và Đức cùng 4 lần lên ngôi, còn 3 đội còn lại mỗi đội có một lần đăng quang World Cup.
- Đức là đội bóng nhiều lần lọt vào trận chung kết World Cup nhất trong lịch sử với 8 lần và họ 4 lần giành chức vô địch. Brazil là đội lọt vào chung kết nhiều thứ 2 với 7 lần, trong đó có 5 lần đăng quang.