Ở lượt trận đầu tiên, tuyển U17 Nhật Bản hòa U17 Uzbekistan 1 - 1. Trong khi đó, tuyển U17 Việt Nam hòa U17 Ấn Độ. Việt Nam và Nhật Bản là 2 đội bóng đánh rơi chiến thắng có phần đáng tiếc. Việt Nam để Ấn Độ gỡ hoà ở phút 69. Nhật Bản thậm chí còn ở rất gần chiến thắng nhưng để Uzbekistan giành lại 1 điểm ở phút 83. Về lý thuyết, cả 4 đội đều có cơ hội đi tiếp như nhau. Tình thế này khiến cuộc cạnh tranh ở bảng D hết sức gay cấn, đội nào thua ở lượt trận này sẽ mong manh cơ hội đi tiếp.
Ở trận gặp Uzbekistan, Nhật Bản đã kiểm soát trận đấu vượt trội. Họ sớm có bàn thắng vượt lên dẫn trước ở ngay phút thứ 8. Thế nhưng, khi trận đấu đi về những phút cuối, các học trò HLV Yoshiro Moriyama lại chơi chủ quan và để cho Uzbekistan gỡ hòa. Đến với giải, HLV Moriyama vẫn mang triết lý bóng đá mang tính truyền thống của Nhật Bản. Các học trò của ông kiên định với việc kiểm soát bóng và phối hợp nhóm nhỏ. Tuy nhiên, U17 Nhật Bản có thể hình khiêm tốn, không cho thấy sự vượt trội về thể lực. Đây có thể là lý do khiến đội bóng này chưa thể áp đảo đối phương.
Nhưng về lối chơi, với những gì đã thể hiện, không thể phủ nhận chất lượng của các cầu thủ trẻ đội bóng Xứ sở mặt trời mọc.
Nhật Bản từng 3 lần vô địch giải U16 châu Á (tiền thân của giải U17 châu Á hiện nay).
Xét về nhiều mặt, Nhật Bản được đánh giá mạnh hơn Việt Nam khá nhiều. Họ chắc chắn sẽ hướng đến chiến thắng ở trận đấu này để nắm chắc tấm vé vào vòng tứ kết. Chắc chắn HLV Moriyama sẽ cho các học trò chơi tấn công. Do đó, Việt Nam sẽ có cơ hội để áp dụng “bài tủ”, đó là chơi phòng ngự phản công, chờ đối thủ mắc sai lầm và tung đòn trừng phạt.
Trong khi đó, việc chỉ có được 1 điểm trước đối thủ được đánh giá là "nhẹ ký" nhất bảng D đã đưa U17 Việt Nam vào tình cảnh khó khăn. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn buộc phải có điểm trước Nhật Bản mới sáng cửa lọt vào tứ kết.
Dù đối thủ rất mạnh nhưng người hâm mộ hy vọng sẽ có bất ngờ đến từ Việt Nam. Bởi, ở cấp độ như U17, tính ổn định chưa cao và cũng chưa hoàn thiện về mặt chuyên môn và mọi chuyện đều có thể xảy ra ở giải đấu cấp độ trẻ này.
Ở trận đấu gặp Ấn Độ, khả năng chiếm lĩnh không gian và sự chính xác trong cách đường chuyền của các cầu thủ Việt Nam chưa tốt. Sự căng cứng cũng khiến Công Phương và các đồng đội không thể hiện được hết khả năng, thậm chí thường xuyên mắc sai lầm. Toàn đội bị tâm lý, chơi dưới sức và không thực hiện đúng những gì đã chuẩn bị trước đ,. khiến mục tiêu giành trọn 3 điểm không thể hoàn thành. Kết quả không như ý đó sẽ buộc thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn phải nỗ lực rất nhiều trước hai đối thủ khó chơi là Nhật Bản và Uzbekistan.
Vấn đề lớn nhất của U17 Việt Nam trong trận gặp Ấn Độ là khả năng kiểm soát bóng ở khu trung tuyến và ý tưởng xử lý bóng ở 1/3 sân đối phương. Các cầu thủ thể hiện được bộ mặt tích cực trong lối chơi, nhưng cũng đã phơi bày những hạn chế ở khả năng tận dụng cơ hội cũng như phòng ngự. Vì thế, nhiều khả năng HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ tiến hành chiều chỉnh nhân sự để tăng cường chất lượng phản công. Nếu làm được điều này, cơ hội Việt Nam gây ra bất ngờ sẽ lớn hơn nhiều.
Màn đối đầu với Nhật Bản - đội bóng này được đánh giá mạnh nhất ở bảng D - là trận đấu có tính chất rất quan trọng với thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Nếu muốn giành vé vào tứ kết, U17 Việt Nam không được phép bại trận.
Trận đấu giữa U17 Việt Nam và U17 Nhật Bản sẽ diễn ra lúc 17 giờ ngày 20/6 trên sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan).
Dự kiến đội hình xuất phát của hai đội
U17 Việt Nam: Bảo Ngọc, Quốc Khánh, Tuấn Khải, Thanh Bình, Văn Thành, Long Vũ, Huỳnh Triệu, Đình Thượng, Quốc Trung, Công Phương, Thiên Phú
U17 Nhật Bản: Goto, Matsumoto, Kosugi, Tsuchiya, Nagano, Yoshinaga, Yada, Sato, Yamamoto, Michiwaki, Nawata