Cái ngày được chờ đợi sau bao năm ấy cuối cùng cũng đã đến, trong một buổi trưa nhiều mây, nhưng trời khá ấm. Cái lạnh bị xua đi nhanh chóng bởi tình yêu của các cổ động viên trên đường đến đây.
Một không khí thực sự náo nhiệt, háo hức và vui tươi tràn ngập khu vực xung quanh sân vận động Eden Park. Cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam ở một nơi cách xa Tổ quốc, trong một giải đấu tầm cỡ thế giới như thế này, dù chỉ là một lần trong đời, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên.
Bạn có thể đến cổ vũ đội tuyển Việt Nam ở Mỹ Đình trong một trận đấu thuộc khuôn khổ SEA Games, AFF Cup hay vòng loại World Cup, nhưng đây là Vòng chung kết World Cup - một World Cup thực sự.
Bạn có thể bỏ tiền mua vé đến các sân bóng ở các giải World Cup hay EURO và mặc trên mình chiếc áo đỏ sao vàng, nhưng ở đó, bạn sẽ cổ vũ những đội bóng mà bạn yêu thích, chứ không phải đội tuyển Việt Nam.
Còn ở World Cup này hoàn toàn khác, bạn đến đây và cổ vũ đội bóng của quê hương, nơi bạn sinh ra, nơi bạn có cha mẹ, họ hàng, bạn bè và người thân đang sinh sống, nơi bạn có biết bao kỷ niệm. Và đội bóng ấy lần đầu tiên trong lịch sử có mặt ở một World Cup.
Thật tự hào và hạnh phúc biết bao khi thấy hàng nghìn người Việt Nam sống ở New Zealand đã đến Auckland để cổ vũ đội tuyển. Thật xúc động khi thấy những em nhỏ 3-4 tuổi sinh ra ở đây, có thể đã có quốc tịch New Zealand, được bố mẹ dán hình cờ đỏ sao vàng trên má. Thật hạnh phúc khi chứng kiến họ đổ về sân với niềm tự hào và hãnh diện.
Tôi đã có mặt trong một vài buổi chuẩn bị cổ vũ đội tuyển của họ. Họ tập múa, tập hát, họ nhờ người thân từ Việt Nam gửi cờ sang để cổ vũ đội tuyển. Họ vẽ các băngrôn để mang đến sân vận động. Và khi trận đấu sắp diễn ra, họ phủ khắp khán đài với màu cờ đỏ, màu của nhiệt huyết, màu của tình yêu quê hương xứ sở. Thật xúc động biết bao khi nghe họ hát "Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh".
Thế rồi, khi các học trò của HLV Mai Đức Chung ra sân, những góc đỏ của khán đài ào lên những cảm xúc mạnh mẽ. Cảm xúc ấy trở nên nóng bỏng hơn khi đến lễ chào cờ. Có tình cảm nào tự hào và đáng yêu đến thế khi hàng nghìn người áo đỏ cùng đặt tay lên tim và hát "Đoàn quân Việt Nam đi…", mắt rưng lệ.
Tiếng còi vang lên, trái bóng bắt đầu lăn, áp lực nặng nề mà các nhà đương kim vô địch World Cup tạo cho "những cô gái kim cương" cứ lớn dần. Họ cầm bóng, họ tấn công, họ có cơ hội đầu tiên, họ thậm chí đã thử tài thủ môn Kim Thanh, nhưng các nữ cầu thủ vẫn đứng vững.
Một phóng viên của nhật báo New Zealand Herald ngồi cạnh tôi nói rằng, nếu Việt Nam không thủng lưới sau 30 phút đã là điều thần kỳ. Trên thực tế, điều thần kỳ ấy chỉ tồn tại được 13 phút cho đến khi Sophia Smith, một tên tuổi đang lên của Mỹ, ghi bàn. Đó là điều hàng nghìn người Việt Nam trên sân và hàng triệu người Việt khác ngồi xem trận đấu qua TV biết sẽ xảy ra và trước đó họ chỉ mong nó đừng đến quá sớm. Nó đã đến, nhưng những tiếng hát vẫn vang lên trên khán đài để tiếp sức cho các tuyển thủ.
Người hâm mộ muốn các nữ cầu thủ Việt Nam biết rằng họ luôn ở đây, bên cạnh đội bóng nữ thân yêu. Khi các cổ động viên Mỹ hô "USA USA", họ đáp lại "Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh" và "Việt Nam cố lên", thậm chí "Việt Nam vô địch". Có những lúc, những tiếng hô ấy đã át cả tiếng các cổ động viên Mỹ đông hơn. Và trên một góc khán đài, phấp phới một lá cờ Việt Nam rất lớn.
Trận đấu cứ thế trôi đi trong những tiếng hò reo và tiếng hát của họ. Trên sân, các cầu thủ vẫn chiến đấu, cảm thấy không cô độc nơi này khi người Việt ở đây và khắp muôn nơi đang sát cánh bên họ.
Tiếng còi kết trận vang lên khi tỉ số chỉ là 0-3, một tỉ số không lớn như hình dung của rất nhiều người về sức mạnh của Mỹ và sự chênh lệch quá lớn đối với các nữ cầu thủ Việt Nam về trình độ, đẳng cấp, thể hình và thể lực. Trên sân, các cổ động viên Việt Nam vẫn rất hạnh phúc. Họ được chứng kiến lần đầu đội tuyển ở World Cup. Họ được hát quốc ca Việt Nam ở nơi mà họ đang sinh sống. Họ tự hào chứng kiến các cô gái Việt Nam kiên cường.
Họ rời sân, phất cao những lá cờ Việt Nam, mặt rạng ngời hạnh phúc. Và họ vẫn hát vang "Việt Nam, Hồ Chí Minh"…