Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi kết thúc triển khai thí điểm, Công an tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm sơ kết, rút kinh nghiệm trước khi tổ chức thực hiện đại trà.
Đây là đề án liên quan đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử vào phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho đất nước.
Về dịch vụ công trực tuyến, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống cung ứng dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Từ đó, thay đổi nhận thức, thói quen giải quyết thủ tục hành chính theo phương pháp truyền thống sang hiện đại, góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của đội ngũ công chức các cơ quan hành chính nhà nước được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Trước đây, muốn đăng ký thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Nay, với phương thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà, hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã sơ kết 7 ngày thực hiện kế hoạch nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai kế hoạch mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06/CP tại các đơn vị cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tính từ ngày 22 đến 29/11/2022, 7/9 địa bàn của tỉnh Bình Dương (gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bàu Bàng) đã nhập dữ liệu của 89.569/1.081.466 trường hợp, đạt 8,28%.
Trong đó, nhập dữ liệu khai sinh của 53.941 trường hợp, đạt 8,19%; dữ liệu khai tử của 18.2 trường hợp, đạt 12,71%; dữ liệu kết hôn của 15.514 trường hợp, đạt 12,71% và dữ liệu về nhận con nuôi đối với 94 trường hợp. Riêng thị xã Tân Uyên, nơi được chọn thí điểm triển khai kế hoạch này đã nhập 59.924 trường hợp, đạt 73%.
Việc thực hiện đề án này có ý nghĩa rất quan trọng, để lại nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện hơn khâu tổ chức thực hiện, hướng tới đạt được kế hoạch đã đề ra.
Để phấn đấu hoàn thành công tác nhập dữ liệu, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ bố trí thêm 160 máy tính phân bổ cho các địa phương triển khai giai đoạn 2 của kế hoạch. Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, khen thưởng, động viên các đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.