Năm 2023, các cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các mặt công tác; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm cuộc sống người dân, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình hình ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, đối tượng phạm tội về ma túy được lực lượng chức năng bắt giữ ngày càng tăng, vụ sau lớn hơn vụ trước; xuất hiện nhiều loại ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý, ma túy pha trộn trong thuốc lá điện tử, các loại thực phẩm, nước uống; người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý không giảm, số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác. Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam tình dục đồng giới vẫn gia tăng. Tình trạng môi giới, tổ chức các hoạt động mại dâm sử dụng công nghệ cao, xuyên biên giới ngày càng tinh vi, khó kiểm soát...
Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, khó khăn, trong khi một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS; việc bố trí kinh phí chưa tương xứng; cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều văn bản pháp lý chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời…
Công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng, lâu dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền địa phương, không phó mặc cho các lực lượng chức năng. Trong năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác này, trong đó tập trung một số nhiệm vụ:
Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại Thông báo kết luận số 154/TB-VPCP ngày 26/4/2023 và số 411/TB-VPCP ngày 12/10/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Rà soát các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ, xuyên suốt.
Chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát người nghiện ma túy và tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng "Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10058/VPCP-KGVX ngày 25/12/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tăng cường phối hợp ở cả cấp trung ương và địa phương; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chức năng đồng cấp của nước ngoài để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, vận động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống ma tuý và mại dâm.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông có những hình thức tuyên truyền mới mẻ, sinh động, hấp dẫn để cho thấm, ngấm sâu vào từng người dân, đặc biệt là giới trẻ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để tuyên truyền.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm vào chương trình giáo dục trong trường học.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, quan tâm hơn nữa đối với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS; chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia đối với công tác này.
Chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để có những giải pháp riêng phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực của từng địa phương. Tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương và giữa các địa phương.
Rà soát, thống kê số người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy đúng với tình hình thực tế để có giải pháp và bố trí nguồn lực phù hợp đối với từng địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Đắk Nông và Kon Tum chủ động bố trí đất xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy, kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan để bố trí vốn xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy công lập cho 3 địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy.