Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là chuyến thăm có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). An Giang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Trải qua các cuộc kháng chiến, sự khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều người con của An Giang đã ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà.
Khẳng định chăm sóc người có công với cách mạng là chủ trương lớn, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm phục trước những đóng góp, hy sinh của người có công và gia đình người có công. Không chỉ trong quá khứ mà ngày nay những người có công vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, tuyệt đối trung thành với con đường mà Đảng ta đã chọn, là nhân tố rường cột của chính quyền địa phương, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng An Giang đã có nhiều nỗ lực chăm lo cho người có công, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đặc biệt là đã quan tâm đến công tác quy tập hài cốt liệt sỹ, tôn tạo nghĩa trang.
Phó Thủ tướng ghi nhận An Giang đã đảm bảo cho người có công có mức sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương; cho biết Chính phủ sẽ quan tâm đến đề án xây dựng Trung tâm điều dưỡng người có công tại địa phương và dự án mở rộng cải tạo , nâng cấp nghĩa trang Dốc Bà Đắc ở Tịnh Biên thành nghĩa trang cấp quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phó Thủ tướng lưu ý An Giang tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để người có công có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Với những hồ sơ liệt sỹ còn tồn đọng, chưa được giải quyết chế độ, Phó Thủ tướng giao trách nhiệm cho cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm giải quyết để người có công và gia đình họ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
Theo báo cáo, tỉnh An Giang có .000 người có công, trong đó có 10.000 liệt sĩ, 701 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 30 mẹ), trên 5.500 thương binh và 480 bệnh binh. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời, các thương, bệnh binh được chăm lo về nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh nên cuộc sống cơ bản ổn định. Hiện tại, gần 10.000 người có công và thân nhân của họ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ ngân sách của Nhà nước với kinh phí gần 145 tỷ đồng/năm.
Từ phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, kết hợp với nguồn ngân sách tỉnh và vận động xã hội hóa, 10 năm qua, tỉnh đã xây mới 1.597 căn nhà tình nghĩa (trên 67 tỷ đồng), sửa chữa hơn 1.800 nhà ở cho người có công (gần 16 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ trên 2.000 hộ gia đình người có công xây mới 1.414 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 606 căn với kinh phí trên 82 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, 100% người có công và thân nhân của họ được mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế với kinh phí trên 12,7 tỷ đồng/năm; hơn 95% người có công có mức sống trung bình trở lên...