Theo dự thảo, đối tượng được nhận hỗ trợ điện thoại thông minh từ Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
Là hộ nghèo, hộ cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo là gia đình chính sách người có công và gia đình có các đối tượng chính sách đặc biệt khác có nhu cầu hỗ trợ.
Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng (bao gồm từ các chương trình này và các chương trình, đề án khác) từ năm 2021 đến thời điểm đề nghị hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh.
Dự thảo cũng quy định tiêu chí ưu tiên trong hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh. Cụ thể, thứ tự ưu tiên về địa bàn cư trú là: Xã khu vực III; Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; xã đảo, huyện đảo; các xã còn lại.
Thứ tự ưu tiên đối với hộ gia đình: Hộ nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội hoặc hộ gia đình có đối tượng chính sách đặc biệt khác; Hộ nghèo; Hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội hoặc có đối tượng chính sách đặc biệt khác; Hộ cận nghèo.
Dự thảo nêu rõ, hình thức hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ (không phân biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo; không phân biệt địa bàn hộ gia đình cư trú).
Hộ gia đình tự lựa chọn, quyết định mua điện thoại thông minh từ nguồn kinh phí Chương trình hỗ trợ và nguồn kinh phí bổ sung của gia đình.
Phương thức thực hiện sẽ đặt hàng doanh nghiệp viễn thông thực hiện hỗ trợ hộ gia đình trang bị điện thoại thông minh. Hộ gia đình được hỗ trợ có thể lựa chọn nhận hỗ trợ thông qua; Trừ dần vào chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông phát sinh vượt số kinh phí được Chương trình hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ gia đình; Nhận tiền mặt (một lần) trực tiếp từ doanh nghiệp do hộ gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất (đăng ký khi làm Đơn đề nghị hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh).