Dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị: Để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình tiếp tục lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc. Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tỉnh kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình phát huy nội lực cùng cả nước; đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc của tỉnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, tỉnh Hòa Bình cần quy hoạch, sắp xếp, phân bổ hợp lý lại dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, tích cực công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững. Cùng với đó, Hòa Bình chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỉnh phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa các dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tỉnh nắm chắc tình tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, miền núi, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng; đồng thời, bám sát địa bàn cơ sở, chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh…
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đinh Thị Thảo, Hòa Bình là một trong 10 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 74,43% dân số toàn tỉnh. Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình đã từng bước thay đổi tích cực. Bằng các nguồn lực khác nhau của các Chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh đã có 8 xã khu vực III thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2022 còn 12,29%. Đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trang bị kiến thức cho hộ nghèo để biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, thông qua thực hiện các mô hình sản xuất chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất đã làm tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát triển; nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hóa mới được khuyến khích...
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, địa phương huy động nguồn lực, có giải pháp hợp lý về vốn để tập trung đầu tư củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phát triển các sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch.
Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục tạo sinh kế phát triển bền vững, góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh và cả nước. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số.