Liên quan đến việc triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thông tin, đến nay, Bộ đã hoàn thành cả 4 nhiệm vụ gồm: Chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe; kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính Bộ Giao thông vận tải với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; xây dựng kho số hóa kết quả thủ tục hành chính.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về giấy phép lái xe với hơn 34,7 triệu giấy phép lái xe; hoàn thành đối soát trùng khớp 33,5 triệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; tích hợp 9,8 triệu thông tin lên ứng dụng VNelD.
Với chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu dùng chung về phương tiện cơ giới đường bộ với hơn 5,2 triệu xe; hoàn thành tích hợp hơn 716.000 xe với cơ sở dữ liệu đăng ký xe và cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Đối với việc cung cấp Dịch vụ Công trực tuyến đổi bằng lái xe, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành mở rộng trên toàn quốc từ 14/11/2022, hoàn thành kết nối 1.191 cơ sở y tế, đến nay đã có 78.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến đã góp phần đơn giản, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe. Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa cách trung tâm thành phố khoảng 300 km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng.
“Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nêu trên làm nền tảng hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông và triển khai Dịch vụ Công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia; đảm bảo tính đồng bộ, chính xác, khách quan, hiện đại của hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước,” ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải, việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động của ngành giao thông vận tải đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về chuyển đổi quản lý, điều hành ngành dựa trên dữ liệu số, để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhìn nhận: Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành rà soát, bổ sung 79 dịch vụ công trực tuyến, hiện Cổng Dịch vụ công của bộ đang cung cấp 319 dịch vụ/418 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 76,3%); trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình (tỷ lệ 53,3%), 149 dịch vụ công một phần (tỷ lệ 46,7%).
Trong 11 tháng của năm, các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Giao thông vận tải (bao gồm các hệ thống triển khai đến các sở giao thông vận tải) đã tiếp nhận và xử lý 488.279 hồ sơ (tương đương năm 2022); trong đó, có 457.439 hồ sơ trực tuyến (tỷ lệ 93,6%).
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành 5/6 chỉ tiêu Chính phủ giao về cung cấp Dịch vụ Công trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn tồn tại như chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tỷ lệ tối thiểu 30%.