Cụ thể, tại Quyết định số 841/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Tại Quyết định số 854/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND Tiền Giang, UBND tỉnh Bình Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo 2 huyện được công nhận tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Được biết, huyện Tân Phước có 100% số xã (11/11 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 3 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đạt 27,27% tổng số xã trên địa bàn huyện. Có 100% thị trấn trên địa bàn huyện (thị trấn Mỹ Phước) đạt chuẩn đô thị văn minh.
Huyện Tân Phước đạt tất cả tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (gồm 9 tiêu chí và 36 chỉ tiêu); đồng thời, huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Đối với huyện Tây Sơn, toàn huyện có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 thị trấn được rà soát, đánh giá các tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định, đạt 100%.
Cùng với đó, huyện Tây Sơn đã cơ bản thực hiện đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới. Các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy hoạch xây dựng của huyện đã được phê duyệt. Hệ thống thủy lợi của huyện đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống điện liên xã do ngành Điện quản lý, đảm bảo đạt thông số kỹ thuật, an toàn điện theo tiêu chí về điện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472,31 ha phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Huyện đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; trong đó, trên lĩnh vực trồng trọt đã xác định cây lạc là một trong các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao và ổn định so với các loại cây trồng khác, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân vùng nông thôn. Sản phẩm lạc của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 cấp Giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt...