Về vấn đề này, báo Tin tức xin trả lời như sau:
Việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hiện mới đang là dự thảo.
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến chế độ hưu trí.
Trong đó, Bộ LĐTBXH có đề cập đến việc sửa đổi số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần từ 20 năm xuống 15 năm, và hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng lương hưu trong trường hợp này cũng sẽ được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, người có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Hiện nay, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian đóng BHXH tối thiểu để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí của hầu hết các trường hợp đều là đủ 20 năm. Thời gian này được đánh giá còn khá dài dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Tại buổi đối thoại với công nhân lao động năm 2022, một số lao động cũng đặt câu hỏi cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi lao động mới 40-45 tuổi. Lao động cũng kiến nghị sửa quy định giảm thời gian đóng BHXH, qua đó hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTBXH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BXHX từ 20 năm xuống xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.