Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Người cao tuổi cả nước rất phấn khởi, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện cho tổ chức Hội và người cao tuổi được bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết luận 58 ra đời đáp ứng sự mong đợi của người cao tuổi.
Thời gian qua, Trung ương Hội đã làm việc với 51 tỉnh, thành phố, các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đều quan tâm, đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong sự phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó hoạt động Hội và phong trào người cao tuổi phát triển sâu rộng, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít Hội Người cao tuổi địa phương hoạt động chưa nổi bật, chưa tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác người cao tuổi… nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đề nghị, trong thời gian tới, Hội Người cao tuổi các cấp tích cực, tập trung, triển khai bài bản và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình công tác Hội; nhất là các sự kiện lớn như Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu toàn quốc làm kinh tế giỏi; tổ chức tốt Liên hoan tiếng hát người cao tuổi các khu vực tiến tới Liên hoan toàn quốc kết hợp phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ khái quát quá trình hình thành và phát triển, thực tiễn hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua; sự cần thiết hoàn thiện mô hình tổ chức Hội 4 cấp thống nhất trong cả nước; nội dung cơ bản của Kết luận 58 và một số quan điểm, chủ trương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận này.
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Bộ Nội vụ ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội Người cao tuổi các cấp trong suốt gần 3 thập kỉ qua. Hội đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội và người cao tuổi trong xã hội. Tuy nhiên, quá trình hoạt động còn nhiều khó khăn do tổ chức Hội Người cao tuổi chưa thống nhất trong cả nước, vẫn tồn tại mô hình Hội Người cao tuổi và Ban đại diện người cao tuổi, chưa liên thông nên hoạt động chỉ đạo còn ngắt quãng, chế độ chính sách đối với cán bộ, hội viên chưa đảm bảo, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Phát biểu tại Hội nghị đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Thuận bày tỏ vui mừng, phấn khởi chia sẻ, những năm qua Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm, cũng như đã ban hành nhiều chính sách, có những hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Điều này thể hiện trong Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu về dự Đại hội IV Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày 13/1/2022 và Kết luận số 58-KL/TW ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Các ý kiến cho rằng, đây là nguồn động viên, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên Hội và tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác người cao tuổi và phát huy vai trò tổ chức Hội Người cao tuổi, động viên người cao tuổi chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều hội viên, cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp và người cao tuổi mong muốn được kiện toàn hệ thống tổ chức Hội đồng bộ 4 cấp…