Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra hiện trạng khu nhà nguy hiểm trên đường Hoàng Văn Thụ và thăm hỏi, động viên các hộ dân thuộc diện sơ tán tránh trú bão tại thành phố Nam Định; kiểm tra công trường thi công công trình cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi.
Tại các điểm kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Nam Định trong việc chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của bão số 3, đặc biệt là đã chủ động di dời nhân dân ở các khu nhà ở cũ, không an toàn đến các địa điểm tránh trú bão và công tác chỉ đạo, ứng trực, khắc phục hậu quả ngay sau khi bão tan đã làm giảm mức độ thiệt hại của mưa bão ở mức thấp nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh Nam Định tập trung nhân lực, phương tiện nhanh chóng khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra. Với những hộ dân sống trong các nhà nguy hiểm đang phải sơ tán, chính quyền địa phương cần chú ý cung cấp đầy đủ thực phẩm, các điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời cần sớm có giải pháp sửa chữa, xây mới các khu chung cư cũ để bảo đảm an toàn cho người dân. Tỉnh khẩn trương thu dọn các cây xanh, cột điện bị gãy đổ để giải tỏa giao thông và có các phương án chống úng cho những diện tích hoa màu đang bị ngập.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, chủ động ứng phó với bão số 3, tỉnh đã cấm biển, cho học sinh, sinh viên nghỉ học và dừng hoạt động các bến phà, cầu phao ngay từ ngày 6/9; toàn bộ 100% tàu thuyền được đưa vào nơi tránh trú an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh; 100% người ở trên các lều, chòi được vào bờ tránh trú bão an toàn; triển khai rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, đặc biệt tuyến đê biển để triển khai ứng phó với bão.
Đặc biệt chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị, các lực lượng chức năng tập trung lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời trên 1.000 người dân trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm và khu tập thể cũ đến nơi trú tránh an toàn; di dời gần 1.000 lao động tại các lều chòi nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân.
Theo thống kê ban đầu, tỉnh Nam Định không có thiệt hại về người; toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng; 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng; 2 nhà văn hóa bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt...