Đến nay, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành giai đoạn I (2013-2017) và đợt 1 giai đoạn II (2017-2018), trong đó vẫn còn trên 20.000 hộ người có công theo danh sách rà soát từ năm 2013 - 2014 có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn chưa được hỗ trợ.
Đây là con số lớn; trong khi đó quá trình thực hiện đang gặp nhiều khó khăn khiến mục tiêu ban đầu của chính sách khó đạt được toàn diện.
Thái Bình là địa phương có trên 48.100 người có công với cách mạng. Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng về nhà ở.
Theo đó qua rà soát năm 2013, tổng số gia đình người có công cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 25.830 hộ (trong đó có 15.827 trường hợp xây mới, 10.003 trường hợp sửa chữa) với tổng kinh phí thực hiện trên 1.091 tỷ đồng. Quyết định 22 đã giúp nhiều gia đình người có công với cách mạng xóa được nhà dột nát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia đình bà Vũ Thị Vy (thôn Phú Mỹ) là một trong 35 hộ gia đình của xã Bình Minh (huyện Kiến Xương) thuộc danh sách được phê duyệt hỗ trợ nhà ở cho người có công. Hoàn cảnh khó khăn, chồng ốm yếu và qua đời sớm, bản thân lại là thương binh hạng 4/4, một mình bà Vũ Thị Vy tần tảo nuôi dạy 4 người con khôn lớn.
Kinh tế gia đình cũng vì thế mà trở nên eo hẹp, túng thiếu. Bà chia sẻ, căn nhà cấp 4 trước đây bị dột từ lâu nhưng kinh tế khó khăn nên gia đình bà có muốn cũng không thể xây sửa được. Với sự hỗ trợ kịp thời theo Quyết định 22 và sự giúp đỡ của gia đình, mùa mưa bão năm nay, bà Vy đã yên tâm hơn trong căn nhà mái bằng khang trang hơn thay cho căn nhà dột nát, xiêu vẹo trước đây.
Cũng như gia đình bà Vy, gia đình thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Vường (thôn Trung Úy, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương) đang tiến hành xây mới lại căn nhà. Ông Vường cho biết, sau khi có Quyết định 22 của Chính phủ, chính quyền địa phương đã phổ biến, hướng dẫn những gia đình trong diện thụ hưởng chính sách làm đơn, đồng thời tiến hành rà soát, thẩm định… Số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà xây mới theo Quyết định 22 dù không lớn song đã giúp gia đình ông trang trải, bớt đi khó khăn.
Ông Đoàn Trọng Pháo, Phó phòng Lao động, Thương binh, Xã hội huyện Kiến Xương cho biết, qua rà soát toàn huyện có 3.031 hộ được phê duyệt theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Giai đoạn 2013 - 2017 huyện đã tập trung ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho người có công với nhóm đối tượng 1 gồm các Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học từ 61% trở lên.
Đến nay, huyện đã cơ bản giải quyết xong việc hỗ trợ nhà ở cho nhóm đối tượng này. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo dứt điểm việc hỗ trợ trong năm 2018 theo lộ trình, kế hoạch đặt ra.
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, tính đến hết tháng 7/2017, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 5.742 hộ gia đình người có công với cách mạng, trong đó 4.555 hộ xây mới và 1.187 hộ sửa chữa nhà ở.
Qua rà soát năm 2018, Thái Bình có 8.206 hộ người có công đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở; trên 6.300 hộ thuộc diện được hỗ trợ đã tự bỏ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở đề nghị được hỗ trợ kinh phí; trên 5.540 hộ không đủ điều kiện hỗ trợ, không có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở.
Ông Phí Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, đầu năm 2018 tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ nhà ở đợt 1 cho 7 hộ gia đình với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng. Hiện các huyện đang thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 2 năm 2018, dự kiến sẽ hỗ trợ cho 1.914 hộ gia đình.
Phấn đấu đến hết năm 2018, Thái Bình sẽ hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở theo danh sách đã được thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải nhiều khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khó có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình Phí Ngọc Thành, một trong những khó khăn hiện nay là nhu cầu về hỗ trợ nhà ở của các hộ gia đình người có công có nhiều thay đổi. Có những gia đình đăng ký xây mới hoặc sửa chữa nhưng đến khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt lại không tiến hành thực hiện xây hoặc sửa chữa như đăng ký ban đầu.
Điều này gây khó khăn cho cơ quan thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có nhà sập xệ, dột nát có nhu cầu xây mới, sửa chữa, hoàn cảnh khó khăn, đa phần do tuổi cao, sức yếu. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng cho nhà sửa chữa, 40 triệu đồng cho nhà xây mới rất khó để các hộ này có thể triển khai thực hiện thi công.
Ngoài ra, khó khăn khác mà tỉnh đang gặp phải là tiến độ, thời gian thực hiện công tác hỗ trợ. Theo đó, năm 2018 Trung ương mới thông báo kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở và phải thực hiện hoàn thành trong năm 2018 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017. Thời gian thực hiện gấp nên tỉnh rất khó khăn trong quá trình thực hiện hỗ trợ.
Để giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công từ nguồn ngân sách theo đề án trong năm 2019, thay vì hạn cuối là năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết 63/NĐ-CP.