Ngày 22/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã làm việc với Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Tổng cục Di trú (Bộ Nội vụ Campuchia), đồng thời tiến hành phỏng vấn, xác minh thông tin đối với 24 trường hợp công dân Việt Nam đang bị tạm giữ tại Trung tâm Câu lưu của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Campuchia.
Trong số này có 13 trường hợp công dân Việt Nam được giải cứu từ các cơ sở lao động khác trên địa bàn tỉnh Kandal và 11 trường hợp lực lượng chức năng Campuchia tạm giữ trong quá trình rà soát sòng bạc Rich World thuộc địa bàn ấp Chrey Thom, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom (tỉnh Kandal), sau vụ việc 40 người Việt Nam vượt sông Bình Di về Việt Nam vào ngày 18/8 vừa qua. Trường hợp 1 lao động vượt sông không thành công, bị bảo vệ sòng bạc bắt giữ lại trong vụ việc ngày 18/8 hiện cũng đang được lưu giữ tại trung tâm, có sức khỏe ổn định.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại, đối với các trường hợp nêu trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã yêu cầu, đề nghị cơ quan chức năng Campuchia đảm bảo điều kiện sinh hoạt trong thời gian lưu giữ, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và hỗ trợ sớm đưa các trường hợp này về Việt Nam.
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ việc nhóm người lao động Việt Nam đào thoát khỏi sòng bạc Rich World ở tỉnh Kandal vào ngày 18/8, Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với cơ quan chức năng Campuchia, đề nghị sớm điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên trong vụ việc, đặc biệt là trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động (Casino Rich World) và sớm thông báo kết quả cho phía Việt Nam; đồng thời đề nghị có kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ, rà soát cơ sở sử dụng lao động, tăng cường lực lượng để trấn áp, ngăn chặn, xử lý các cơ sở sử dụng lao động bất hợp pháp và hỗ trợ công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là các trường hợp bị bóc lột, cưỡng bức lao động.
Đại sứ quán Việt Nam cũng đề nghị phối hợp tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, đặc biệt là trên tuyến biên giới đường bộ giữa hai nước, trong đó lưu ý đơn giản hóa, giảm quy trình thủ tục trao trả các trường hợp công dân Việt Nam bị trục xuất hoặc được giải cứu khỏi các cơ sở lao động tương tự.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về quan điểm của Việt Nam liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cho biết đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Campuchia. Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định: “Việc xử lý nhanh chóng, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các lao động nước ngoài tại Campuchia, trong đó có lao động là người Việt Nam cần được giải quyết dứt điểm, tránh các vấn đề phức tạp phát sinh, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa các bên”.
Cũng theo Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, tại cuộc làm việc, đại diện phía Campuchia ghi nhận các đề nghị của phía Việt Nam và sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo xử lý phù hợp; đồng thời chia sẻ những khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc này, cũng như các vụ việc tương tự và mong muốn phối hợp với phía Việt Nam trong xử lý các vấn đề liên quan.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/8, một số cơ quan báo chí, truyền thông Campuchia dẫn lời ông Sar Kheng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ nội vụ Campuchia kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống buôn người nước này cho biết sau vụ việc trên, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra và bắt giữ quản lý sòng bạc nơi xảy ra vụ việc. Trang Freshnews dẫn lời Trung Tướng Chhoun Sochett, Giám đốc Công an tỉnh Kandal xác nhận quản lý sòng bạc bị bắt giữ là người Trung Quốc.