Việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật Bảo hiểm y tế. Đến nay, toàn quốc có trên 93,3 triệu người tham gia, đạt bao phủ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ). Năm 2023, toàn quốc có 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi KCB BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và mở rộng so với mức phí đóng BHYT, với 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm và 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc cổ truyền (trong khi Thái Lan, Singapore, Philippines chỉ có 600-700 hoạt chất). Quỹ BHYT đã đảm bảo chi trả hầu hết các bệnh lý và có nhiều thuốc mới, chi phí cao với số tiền chi trả lớn; đặc biệt có bệnh nhân đã được chi trả BHYT lên tới gần 4 tỷ đồng.
Hệ thống cơ sở KCB BHYT ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu KCB BHYT của người dân. Đến hết ngày 31/12/2023, toàn quốc có 12.835 cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT, trong đó gồm 1.7 cơ sở công lập và 1.067 cơ sở ngoài công lập, hơn 10.000 trạm y tế xã; chất lượng KCB BHYT ngày ngày được càng nâng cao. Số lượt KCB BHYT tăng nhanh qua từng năm. Trong năm 2023 có 174,8 triệu lượt KCB BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Quỹ BHYT được cơ quan BHXH quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch. Đến 31/12/2023, tổng số thu BHYT là 124.300 tỷ đồng, đạt 119,44% kế hoạch. Nhìn chung, việc sử dụng quỹ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối thu-chi và sự bền vững của quỹ, để đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cũng chính trong quá trình triển khai thực hiện Luật, đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn, vướng mắc.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự cân bằng, đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Trong một bộ phận người dân chưa tham gia BHYT, có cả đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Cùng với đó, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm tự nguyện đóng BHYT chưa thực sự bền vững.
Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Hầu hết các các bệnh viện đều quá tải, nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Một số nội dung trong các văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: Quy định về xã hội hoá, tự chủ tài chính chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng trang thiết bị y tế xã hội hóa tại các cơ sở y tế để trục lợi gây nên tình trạng bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong những năm qua. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn diễn ra khá phức tạp và khó kiểm soát. Đơn cử như việc chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa rộng rãi, quá mức cần thiết với tình trạng bệnh lý. Thống kê các chi phí không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; thống kê số lượng dịch vụ nhiều hơn số lượng thực tế chỉ định; tính sai giá thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế tiêu hao.
Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, người dân thiếu thông tin những quy định mới của Luật BHYT. Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành của địa phương chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách BHYT.
Phân tích chi tiết tình hình thực hiện Luật BHYT, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đưa ra một số đề xuất nhằm duy trì và phát triển bền vững số người tham gia BHYT. Theo đó, cần quy định để mọi đối tượng đều phải tham gia BHYT liên tục, đẩy đủ, nhất là với nhóm người lao động (NLĐ) bị tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), NLĐ ở khu vực phi chính thức, hộ gia đình (hiện nhóm này còn khoảng 7% chưa tham gia BHYT).
Bên cạnh đó, theo ông Phúc, cần quy định mở rộng gói quyền lợi BHYT phù hợp với khả năng đóng BHYT. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh gói quyền lợi BHYT; làm rõ tiêu chí và kết quả đánh giá tính chi phí hiệu quả của thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế. Cần đảm bảo công bằng trong KCB BHYT, phát triển hệ thống y tế cơ sở. Quy định để giảm chi tiền túi từ bệnh nhân BHYT, cần tính đủ các cấu phần chi phí của giá dịch vụ KCB BHYT; yêu cầu cơ sở KCB phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, không để bệnh nhân phải tự mua; không được thu thêm chi phí của người bệnh...
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, để tiếp tục thực hiện tốt Luật BHYT với chặng đường cuối của lộ trình BHYT toàn dân, cần triển khai hiệu quả hơn Luật BHYT đảm bảo 3 nguyên tắc: Cam kết tài chính từ phía Chính phủ hỗ trợ nhóm đối tượng chính sách tham gia BHYT; sự đồng thuận của cộng đồng và phát huy kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự hài hòa mối quan hệ nhu cầu và lợi ích của cả ba bên: cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi và người hưởng thụ chính sách.
Đặc biệt, Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam không ngừng được đổi mới, kết nối đến gần 13.000 cơ sở KCB, liên tục được cập nhật các tính năng mới, giúp cho quá trình quản lý, giám sát về BHYT từng bước được hiện đại hóa.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề nghị tiếp tục xây dựng, sửa đổi Luật BHYT để tạo động lực nâng cao hơn nữa chất lượng KCB BHYT; tiếp tục hiện đại hóa công tác giám định BHYT để đảm bảo công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các hành vi cố tình trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và quỹ BHYT.
BHXH Việt Nam sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT, đảm bảo khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, nhất là vấn đề liên quan đến phương thức thanh toán, định mức kinh tế, xây dựng tiêu chí chất lượng KCB, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo (AI) trong các khâu quản lý, thực hiện nghiệp vụ…